Tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất, nhập khẩu năm 2020

Các đơn vị rà soát, cập nhật để hoàn thiện và trình ban hành Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030; trong đó xác định lại vị trí, vai trò của các thị trường xuất nhập khẩu.
Dây chuyền sản xuất tất xuất khẩu mới đưa vào hoạt động tại Công ty TNHH Jasan Việt Nam (vốn đầu tư Trung Quốc) trong Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất tất xuất khẩu mới đưa vào hoạt động tại Công ty TNHH Jasan Việt Nam (vốn đầu tư Trung Quốc) trong Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp-hương mại trong giai đoạn mới phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch hành động của ngành công thương với nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng những năm tiếp theo.

Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 để triển khai nhằm phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới.

Cụ thể, các đơn vị rà soát, cập nhật để hoàn thiện và trình ban hành Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030; trong đó xác định lại vị trí, vai trò của các thị trường xuất nhập khẩu trong xu hướng chuyển dịch mới gắn với từng mặt hàng, từng thị trường.

Ngoài ra, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020; xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng có lợi thế, đặc biệt là sang thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bộ trưởng lưu ý các đơn vị chủ động rà soát nội dung cụ thể trong cơ chế hợp tác thông qua các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban Hỗn hợp, Ủy ban thực thi FTA để khẩn trương triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các thị trường nước ngoài trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó, các đơn vị tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản tập trung với địa phương có cửa khẩu xuất khẩu nhằm đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước.

Bộ cũng lưu ý việc mở cửa thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng Việt Nam và các thị trường có nhu cầu; triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, nhất là các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương.

[Dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế khi kiểm soát được COVID-19]

Đặc biệt, các đơn vị tập trung xây dựng nội dung hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về các loại chứng nhận cần thiết cho sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các khu vực thị trường để khai thác tốt các cơ hội thị trường như EU, Hoa Kỳ ...

Ngoài ra, triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước, tận dụng tốt các qui định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam.

Tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất, nhập khẩu năm 2020 ảnh 1Bốc xếp gạo xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Bangladesh tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Quyết định cũng đề cập đến việc rà soát, cập nhật để hoàn thiện và trình ban hành Đề án Chiến lược phát triển thương mại nội địa giai đoạn đến năm 2025; trong đó xác định các trọng tâm chiến lược để tập trung thu hút đầu tư, củng cố hệ thống hạ tầng thương mại, đổi mới phương thức kinh doanh ở thị trường trong nước.

Trên cơ sở đó, khẩn trương hoàn thiện nội dung Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành và tổ chức thực hiện.

Riêng đối với phát triển thương mại điện tử và hệ sinh thái kinh tế số, hỗ trợ hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai ngay kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng đề nghị điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp theo Quyết định số 598/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để triển khai ngay trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tiếp đó, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55 NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 để tổ chức triển khai.

Đặc biệt, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Hoàn thiện các cơ chế chính sách trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện, qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng đó, Bộ tiếp tục rà soát, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19.

Xây dựng Báo cáo đánh giá tác động, xu hướng chuyển dịch đầu tư và đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thu hút có hiệu quả luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời xử lý tốt vấn đề mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Ngoài ra, tiến tới xây dựng và triển khai Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp chế tạo đến năm 2030…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.