Tình trạng dư cung liên tiếp đẩy giá dầu thế giới đi xuống

Giá dầu thô đi xuống trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua và dầu Brent còn chạm mức thấp nhất hơn hai năm trong bối cảnh tình trạng “cung vượt cầu” vẫn không ngừng tiếp diễn.
Tình trạng dư cung liên tiếp đẩy giá dầu thế giới đi xuống ảnh 1Khai thác dầu tại Libya. (Nguồn: AP)

Giá dầu thô đi xuống trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua và dầu Brent còn chạm mức thấp nhất trong hơn hai năm, trong bối cảnh tình trạng “cung vượt quá cầu” vẫn không ngừng tiếp diễn.

Theo các chuyên gia phân tích, tình hình căng thẳng tại Ukraine và mối lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại Iraq, Libya có phần lắng xuống đã làm chậm hoạt động mua vào trên thị trường.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 8/9), thậm chí đã có lúc giá dầu Brent tụt xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 6/2013, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 10/2014 đóng cửa ở mức 92,66 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 1/2014.

Bên cạnh đó, việc đồng bạc xanh mạnh lên, cùng với một vài chỉ số kinh tế mới tại các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới không được như kỳ vọng, cũng tạo sức ép lên giá “vàng đen.”

Phiên 9/9 đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất của giá dầu Brent kể từ tháng 4/2013 ( 99,16 USD/thùng).

Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ ( OPEC) điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu về dầu mỏ toàn cầu cho cả năm 2014 và 2015 tiếp tục phủ bóng đen lên thị trường năng lượng thế giới trong ngày 10/9 và đẩy giá dầu ngọt nhẹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2014.

Cụ thể, theo tổ chức này, nhu cầu dầu trong năm 2014 sẽ tăng khoảng 1,05 triệu thùng/ngày lên 91,2 triệu thùng/ngày, giảm 50.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra trước đó. Còn nhu cầu dầu năm 2015 ước tăng khoảng 1,19 triệu thùng/ngày, thấp hơn 20.000 thùng/ngày so với dự báo trước.

Nối gót OPEC, Cơ quan thông tin năng lượng (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đều đưa ra những nhận địch không mấy khả quan về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu, do những lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực, nhất là sau khi Mỹ và châu Âu thông báo áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Trong khi đó, các quan chức Libya lại đánh giá khả quan về triển vọng sản xuất dầu thô của nước này, bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra tại đây.

Chính những yếu tố đó đã khiến giá dầu tiếp tục đà sụt giảm trong phiên cuối tuần (ngày 12/9), sau khi phục hồi nhẹ vào phiên trước đó.

Đáng chú ý, trong phiên này, giá dầu Brent tại thị trường London đã hạ 97 cent, xuống 97,11 USD, ghi dấu mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012. Còn tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ cũng mất 56 cent, xuống còn 92,67 USD/thùng.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm 3,7%, và nếu tính từ hồi giữa tháng Sáu năm nay, khi giá dầu Brent “vọt” lên mức cao nhất chín tháng, thì mặt hàng này đã giảm tới 16%.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ cũng giảm 1,1% trong năm ngày giao dịch của tuần qua.

Hiện giới quan sát thị trường đang theo dõi xem liệu các thành viên OPEC, nhất là Saudi Arabia có giảm sản lượng để đẩy giá dầu đi lên hay không, sau khi Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri dự báo rằng giá dầu sẽ phục hồi vào cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.