Cùng ngược dòng thời gian, về với cán bộ phóng viên thông tấn trong thời chiến, với những mối tình điểm tô bằng đóa hoa rừng và thấm đẫm ánh trăng xanh nơi chiến khu; hoặc được nuôi dưỡng bằng những cánh thư yêu thương.
Cách đây 60 năm, Tết Ất Mùi 1955, anh bộ đội Thẩm Ðức Hòa thuộc Ðại đoàn 308, sau là phóng viên Thông tấn quân sự, đã viết lá thư ngỏ lời yêu cô y tá Phương Thị Bích Ngân. Ðầu lá thư có nét bút nắn nót vẽ hình con chim bồ câu đang bay lên, biểu trưng cho hòa bình, một cành đào tượng trưng cho tết và hình ảnh anh bộ đội cầm súng đứng gác cho hòa bình.
Mấy chục năm sau, bà Ngân vẫn nhớ như in lá thư tỏ tình, bà bảo: "Bây giờ xem lại, các con tôi và nhiều bạn trẻ chắc cười nghiêng ngả; nhưng ngày ấy, những dòng chữ đó với tôi thật thiêng liêng, tôi không nhớ rõ đã đọc nó bao nhiêu lần, dù đã thuộc lòng nhưng vẫn giở ra đọc để được nhìn nét chữ của anh."
Lá thư ấy là sự mở đầu cho một mối tình thiêng liêng, sâu nặng, có sức sống vượt thời gian, vượt qua cả sự cách biệt âm-dương, sống-chết. Ðể khi nhà báo Thẩm Ðức Hòa hy sinh ở mặt trận Thừa Thiên-Huế vào năm 1967, người vợ tào khang của ông đã ở vậy, một lòng một dạ thờ chồng nuôi con, chăm sóc mẹ chồng và vẫn… đều đặn viết thư cho ông, kể chuyện gia đình, con cháu, ôn lại những kỷ niệm của hai người, nói về niềm thương nỗi nhớ cháy bỏng bà dành cho “Anh Hòa, người chồng, người anh, người đồng chí thân yêu nhất của em.”
Xin nói tiếp về tình yêu qua những lá thư. Thời chiến, thư từ gần như là phương tiện duy nhất chuyển thông tin. Bà Phương Thị Bích Ngân từng nói, thư của ông Hòa còn hơn cả “nguồn dinh dưỡng” nuôi sống bà. Tương tự, rất nhiều cặp đôi khác của cơ quan thông tấn cũng nhờ những cánh thư “nói hộ tình yêu,” tựa vào những bức thư mà có thêm nghị lực sống và chiến đấu.
Nhờ tâm huyết của các nhà báo lão thành, Phòng truyền thống TTXVN đã may mắn có được một “bộ sưu tập” quý giá những cánh thư yêu thương đó: Tâm tình của ông Phạm Nho Nghĩa gửi vợ là bà Nguyễn Thị Loan, chia sẻ giữa ông Võ Thế Ái và vợ - bà Nghiêm Thị Tú. Ðó là những bức thư mang đặc trưng thời đại: cháy bỏng tình cảm lứa đôi, nhưng vẫn nồng nàn lòng yêu nước, yêu nghề, đậm nét “hy sinh tình riêng cho sự nghiệp chung.”
Xin dẫn một lá thư gói trọn mọi cung bậc tình cảm chan chứa: “Chiều nay 30 Tết, anh viết thư này thăm em và con. Biết nói thế nào để diễn tả hết tâm tình của anh đối với em và con lúc này… Hôm vừa rồi, anh Sâm và anh Nhớ có hỏi ý kiến anh về việc ra miền Bắc… khó nghĩ quá. Một mặt ra miền Bắc thì được gặp em và con, được bồi dưỡng sức khỏe, được học tập. Mặt khác nhìn quanh mình thấy mọi người bận rộn công tác, mình ra đi ‘nó thế nào ấy.’ Vì vậy anh quyết định ở lại… chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách một cách lạc quan. Vả chăng ngày thắng lợi không còn xa nữa. Ngày ấy gặp nhau sẽ vui và vinh dự gấp bội…” (thư ông Võ Thế Ái gửi vợ dịp Tết Canh Tuất 1970, khi đó ông công tác tại chiến trường Khu 5).
Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi đã được gặp hai học viên của khóa GP10: Bà Vương Nghĩa Ðàn và bà Phạm Thị Ngoan. Hai nữ phóng viên của Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP) giờ đều đã ngoài 60, nghỉ hưu từ lâu, nhưng khi ở bên bạn đời vẫn tình cảm ngọt ngào, niềm hạnh phúc gia đình rạng rỡ trên nét mặt “bà nội,” “bà ngoại”. Nếu như bà Vương Nghĩa Ðàn lập gia đình với một bạn học GP10, cũng là đồng nghiệp TTXGP - ông Vũ Long Sơn, thì bà Ngoan kết hôn với ông Sử, một người ngoài ngành. Nhưng cả hai mối tình đều nảy nở và được nuôi dưỡng bằng sự đồng cảm trong học tập, công tác, trong những điều kiện ngặt nghèo thời chiến; hai ông đều đã đồng cam cộng khổ với người thương trong thời gian ở Cứ Tây Ninh.
Đã đồng hành với nhau trên dưới 4 thập kỷ, giờ đây trĩu vai gánh nặng tuổi tác nhưng có vẻ thời gian không thể bào mòn ký ức của họ về tình yêu. Các ông các bà vẫn nhớ từng khoảnh khắc lãng mạn bên nhau, không quên những thử thách tình cảm và đọc lại (không ngập ngừng) những bài thơ tình “made in R” trong thời thanh xuân xa lắc. Và cuộc gặp của chúng tôi đã kết thúc một cách thú vị. Ấy được nghe bà Ngoan trìu mến kể chuyện “thời ở Cứ, có lần ông Sử đèo cô bằng chiếc xe đạp không phanh (rất phổ biến ngày ấy), nhưng chỉ được một quãng, vì ông gầy, nhẹ quá nên xe đạp tùng bê,” rồi bà ngồi lên chiếc xe “Rem” cũ để ông chở. Người đàn ông từng phải bỏ dở hành trình xe đạp (sau cú ngã, bà phải đổi vai, đạp xe), thể chất không thật khỏe (vì chiến tranh, ông đã để lại một cánh tay nơi phương Nam xa xôi) đã lại là chỗ dựa vững chắc - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - của bà suốt mấy chục năm qua. Sức mạnh của tình yêu thật vô song.
Có những người từng đặt câu hỏi: Tại sao trong chiến tranh, đội quân thông tấn (trong đó có rất nhiều chàng trai, cô gái thư sinh, yếu đuối) có thể vượt qua bao khó khăn gian khổ, vượt qua đạn bom, để làm tốt công tác thông tin, góp phần lớn lao trong bề dày thành tích của TTXVN, chung tay trong sự nghiệp thống nhất đất nước? Trả lời cho hết nhẽ thì rất dài, bởi có nhiều yếu tố làm nên “sức mạnh thông tấn” trong giai đoạn đó. Nhưng có thể đúc kết thế rằng bên cạnh lòng yêu nước, nhiệt tình của tuổi trẻ, hăng say nghề nghiệp, sức mạnh tình yêu đã nâng bước các nhà báo thông tấn nơi chiến trường./.