TNK hủy thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc

Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ một thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD với Trung Quốc nhằm chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đầu tiên của nước này.
TNK hủy thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc ảnh 1Hệ thống tên lửa HongQi-9 của Trung Quốc. (Nguồn: al-monitor.com)

Ngày 15/11, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quốc gia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này đã hủy bỏ một thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD với Trung Quốc nhằm chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đầu tiên của nước này.

Theo AFP và Reuters, thỏa thuận trước đó đã khiến các đồng minh của Ankara tại NATO quan ngại.

Quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Ahmet Davutoglu nói: “Thỏa thuận này đã bị hủy bỏ. Một trong những lý do đó là chúng tôi sẽ tự triển khai dự án tên lửa của chính chúng tôi."

Trước đó, NATO từng tuyên bố các hệ thống tên lửa triển khai trong phạm vi liên minh quân sự này phải tương thích với nhau trong khi kêu gọi Ankara lưu ý đến vấn đề này trong việc quyết định mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.

Hồi tháng 9/2013, Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố tiến hành đàm phán với Tập đoàn xuất-nhập khẩu cơ khí chính xác của Trung Quốc (CPMIEC) để mua các hệ thống chống tên lửa tầm xa của tập đoàn này.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận rằng đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán với phía Trung Quốc, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ và các vấn đề hợp tác sản xuất.

Việc sản xuất chung là một phần quan trọng trong kế hoạch này do Thổ Nhĩ Kỳ muốn chế tạo hệ thống phòng không tầm xa của riêng nước này để đối phó với các máy bay và tên lửa của kẻ thù.

Các nguồn tin từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thông báo chính thức về nội dung trên dự kiến sẽ được đưa ra trong tuần tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.