TNSC: Xuất khẩu của Thái Lan dự báo giảm 8% trong năm nay

Tổng Giám đốc Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại Pimchanok Vonkorpon cho biết Bộ Thương mại Thái Lan vẫn mong đợi xuất khẩu của nước này không giảm từ 8-10% như đã dự báo.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp việc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa và nhu cầu cao hơn trong một số chủng loại hàng xuất khẩu, Hội đồng quốc gia các công ty vận chuyển Thái Lan (TNSC) vẫn dự báo xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này sẽ giảm 8% trong năm nay.

Theo Chủ tịch TNSC Ghanyapad Tantipipatpong, đại dịch COVID-19 đã tàn phá những nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác thương mại quan trọng của Thái Lan như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

NSC dự báo sẽ nợ hộ gia đình sẽ cao hơn và sức mua thấp hơn ở tất cả các nước trên thế giới.

Truyền thông sở tại ngày 6/5 dẫn lời bà Ghanyapad nói rằng điều quan trọng hơn, giao thông vẫn không thuận lợi ở rất nhiều khu vực do các biện pháp phong tỏa, trong khi chi phí hoạt động của khu vực kinh doanh tiếp tục tăng lên, đồng baht đã bắt đầu tăng giá và giá dầu mỏ toàn cầu rất không ổn định do nhu cầu về dầu mỏ liên tục giảm và xung đột leo thang giữa Mỹ và Iran.

Tháng trước, Bộ Thương mại Thái Lan thông báo về sự gia tăng đột biến của xuất khẩu trong tháng Ba vừa qua so với cùng kỳ năm trước, đạt 22,4 tỷ USD. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng tám tháng và có giá trị cao nhất trong vòng 19 tháng.

Trong quý 1 năm nay, xuất khẩu của Thái Lan tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 62,67 tỷ USD. Nếu loại trừ vàng, dầu mỏ và vũ khí, xuất khẩu của Thái Lan trong thời kỳ này tăng 1,1%.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại Pimchanok Vonkorpon cho biết Bộ Thương mại Thái Lan vẫn mong đợi xuất khẩu của nước này không giảm từ 8-10% như đã dự báo.

[Thái Lan phấn đấu trở thành trung tâm thực phẩm chế biến của ASEAN]

Theo bà Pimchanok, bất chấp những yếu tố toàn cầu gây thách thức như đại dịch COVID-19, có những nhân tố hỗ trợ cho xuất khẩu trong phần còn lại của năm 2020, bao gồm sức mạnh và năng lực của Thái Lan trong ngành thực phẩm và nông nghiệp cũng như hàng hóa thiết yếu, sự hồi phục của Trung Quốc sau dịch bệnh và đồng baht giảm giá.

Phó Chủ tịch TNSC Visit Limlurcha nhận xét nền kinh tế và xuất khẩu của Thái Lan trong quý 2 này sẽ khó khăn do các chính sách phong tỏa và các biện pháp nới lỏng áp dụng ở từng nước khác nhau.

Theo ông Visit, sự lây nhiễm vẫn là vấn đề riêng lẻ chính mà TNSC lo ngại vào lúc này. Tuy nhiên, TNSC hy vọng tình hình sẽ bắt đầu hồi phục vào cuối năm khi đại dịch giảm đi.

Tình hình dịch COVID-19 tại Thái Lan tiếp tục chuyển biến tích cực khi quốc gia Đông Nam Á này hai ngày 5-6/5 liên tiếp chỉ ghi nhận một ca nhiễm mới. Như vậy, Thái Lan đến nay có tổng cộng 2.989 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 55 trường hợp tử vong.

Từ đầu tháng này, Thái Lan bước vào giai đoạn 1 nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho đến ngày 31/5 tới.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 5/5 cho biết quốc gia này đang chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại tiếp theo sau khi cho phép một số địa điểm kinh doanh hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, ông Prayut cũng nêu khả năng giới hạn số lượng người được vào các trung tâm thương mại trong cùng một thời điểm, cũng như hạn chế thời gian mua sắm chỉ trong vòng 2 giờ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.