Tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại biên giới Việt-Trung hàng năm

Dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền Quảng Tây, Vân Nam sẽ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp vào tháng 9/2023.
Tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại biên giới Việt-Trung hàng năm ảnh 1Buổi hội đàm giữa Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Hàng năm, Việt Nam và Trung Quốc sẽ luân phiên tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại biên giới luân phiên hàng năm tại Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh của Việt Nam có chung biên giới. Hội chợ sẽ tạo thêm cơ hội gặp gỡ giao thương giữa doanh nghiệp 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam với doanh nghiệp Việt nam từ các tỉnh biên giới nói riêng và cả nước nói chung.

Đây là thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về kết quả tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản giữa Việt Nam-Trung Quốc qua hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) và các buổi làm việc với Chính quyền nhân dân, Cục Hải quan hai tỉnh này.

Thực hiện Công điện số 492/CĐ-TTg ngày 31/5 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam dẫn đầu sang làm việc với Chính quyền nhân dân, Cục Hải quan hai tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Tại các cuộc hội đàm với lãnh đạo chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam, hai bên thống nhất chỉ đạo các đơn vị Hải quan, kiểm dịch 2 bên cửa khẩu có cơ chế thường xuyên giao lưu trao đổi quy trình nghiệp vụ, cập nhật thông tin phối hợp thông quan nhanh chóng, đặc biệt ưu tiên các mặt hàng tươi sống vào vụ thu hoạch nhằm giảm ùn ứ, thúc đẩy giao thương

Để gia tăng sự gắn kết và chủ động của doanh nghiệp 2 nước, hai bên thống nhất chủ trương về xúc tiến thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam-Quảng Tây và Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam-Vân Nam.

Về lâu dài, hai bên nhất trí khẩn trương trao đổi hoàn thiện tiến đến ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Chính quyền Quảng Tây, Vân Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vào tháng 9/2023 nhân dịp Hội chợ Trung Quốc-ASEAN. Biên bản ghi nhớ gồm có các nội dung: Chia sẻ thông tin; hợp tác khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp; thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng hai bên nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.        

Tại các buổi làm việc với lãnh đạo hải quan hai tỉnh, hai bên đã thống nhất một số giải pháp nhằm tăng năng lực thông quan như tăng số lượng doanh nghiệp ưu tiên; hợp tác xuất nhập khẩu một cửa một điểm dừng; thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau; nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm...

[Giảm ùn ứ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu biên giới phía Bắc]

Hai bên sẽ cử đầu mối thông tin liên lạc nhằm kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong thông thương hàng nông lâm thủy sản.

Cục Hải quan Quảng Tây, Vân Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tổ chức họp luân phiên thường niên vào tháng 11 hàng năm giữa để rà soát, đánh giá kết quả hợp tác trong năm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất nhập khẩu và định hướng triển khai trong năm tiếp theo.

Hai bên sẽ cùng phối hợp đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm bổ sung các mặt hàng trái cây, thủy sản; bổ sung doanh nghiệp nông sản, thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như cho phép thủy sản sống của Việt Nam xuất qua cửa khẩu của tỉnh Vân Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.