Tổ chức hội nghị hiệp thương chủ động, sáng tạo, phù hợp với tình hình

Những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội vẫn tổ chức các hội nghị trong quy trình hiệp thương theo hình thức tập trung nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
Tổ chức hội nghị hiệp thương chủ động, sáng tạo, phù hợp với tình hình ảnh 1 Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại Vĩnh Long. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa ban hành hướng dẫn số 54/HD-MTTW-BTT về tổ chức các hội nghị trong quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và việc vận động bầu cử tại các địa phương có dịch COVID-19.

Có thể lấy ý kiến qua email, tin nhắn, Zalo, Viber

Văn bản hướng dẫn nêu rõ việc tổ chức các hội nghị này phải tuân theo các định hướng chung như bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự trao đổi, thống nhất của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức phụ trách bầu cử và các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương.

Việc tổ chức cũng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương...

Những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội vẫn tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.

Trong trường hợp bất khả kháng, không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương cần kịp thời báo cáo cấp ủy và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương để chủ động lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị phù hợp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như: tổ chức hội nghị trực tuyến, tổ chức lấy ý kiến thông qua email, tin nhắn SMS, qua các ứng dụng Zalo, Viber hoặc gửi phiếu lấy ý kiến đến các thành phần dự hội nghị...

Về việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần thực hiện theo Hướng dẫn số 49/HD-MTTW-BTT ngày 5/2/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn công tác tổ chức các hội nghị hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương có dịch COVID-19.

Tổ chức phù hợp, bảo đảm các điều kiện

Việc tổ chức các hội nghị cử tri lấy ý kiến, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (bao gồm họp ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến người giới thiệu ứng cử; hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử; hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị để thảo luận, giới thiệu người ứng cử) thực hiện theo quy định tại các điều 8, 9, 10, 13, 14 và 15 của Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị phù hợp và phải bảo đảm các điều kiện theo hướng dẫn đã ban hành.

Đối với những nơi có số lượng đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp đạt trên 2/3 tổng số đại biểu được triệu tập thì tổ chức hội nghị tập trung nhưng phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.

[Quy trình giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương theo 3 bước]

Những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly xã hội mà số đại biểu có thể tham dự trực tiếp không đạt trên 2/3 tổng số đại biểu được triệu tập thì có thể tổ chức hội nghị trực tuyến. Trong trường hợp này, để thuận lợi cho việc thực hiện biểu quyết, kiểm đếm kết quả biểu quyết, cần lưu ý công tác tổ chức, điều hành để hội nghị thống nhất việc biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và hội nghị cử tri giới thiệu người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo quy định tại Điều 2, Điều 6 của Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện theo hướng dẫn đã quy định.

Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội thì tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp nhưng phải bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.

Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp thì tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến, nhưng lưu ý việc bảo đảm an ninh mạng và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Hướng dẫn 54 cũng nêu rõ trường hợp bất khả kháng, không thể tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã báo cáo cấp ủy cùng cấp, trao đổi, thống nhất với chính quyền và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương về việc tổ chức gửi phiếu lấy ý kiến, phiếu tín nhiệm đối với người được giới thiệu ứng cử đến cử tri.

Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức thành lập tổ phát phiếu, kiểm phiếu gồm từ 3 đến 5 người, sau đó lập biên bản hội nghị cử tri gửi về Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương.

Tổ chức hội nghị hiệp thương chủ động, sáng tạo, phù hợp với tình hình ảnh 2Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026. (Nguồn: TTXVN)

Hội nghị cần lưu ý tới thành phần, số lượng cử tri tham dự hội nghị trực tuyến hoặc lấy ý kiến thông qua hình thức gửi phiếu phải bảo đảm tuân thủ theo quy định tại Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đảm bảo cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin về người được giới thiệu ứng cử để cử tri nghiên cứu, xem xét, thể hiện ý kiến.

Đối với việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, tùy tình hình thực tế tại địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương cần báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp để lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung phải bảo đảm nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục