Tổ chức ngày hội khởi nghiệp ASEAN-Ấn Độ năm 2022 tại Jakarta

Diễn ra trong 3 ngày, Ngày hội Khởi nghiệp ASEAN-Ấn Độ năm 2022 quy tụ những người đóng vai trò quan trọng tham gia vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực.
Tổ chức ngày hội khởi nghiệp ASEAN-Ấn Độ năm 2022 tại Jakarta ảnh 1(Nguồn: aseanbriefing.com)

Ngày 27/10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN (COSTI), phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia (BRIN) và Trung tâm Vườn ươm khởi nghiệp và đổi mới (SIIC) IIT Kanpur đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp ASEAN-Ấn Độ năm 2022 tại thủ đô Jakarta của Indonesia.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, sự kiện này là sáng kiến hàng đầu nhằm tăng cường hợp tác và liên kết trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ, trong khuôn khổ Kế hoạch hành động của quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung giai đoạn 2021-2025.

[Việt Nam gửi thông điệp hòa bình, hợp tác tới Hội nghị ASEAN-Ấn Độ]

Sự kiện này cũng tạo cơ hội để đại diện từ các nước ASEAN và Ấn Độ mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia hướng đến mạng lưới toàn cầu, kết nối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế, cũng như tăng cường hơn nữa quan hệ xuyên biên giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh cho biết ASEAN có hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và đầy triển vọng. Bất chấp đại dịch COVID-19, trong năm 2021, 25 công ty kỳ lân mới đã được thành lập trong khu vực, với tổng mức định giá thị trường lên tới 55,4 tỷ USD.

Theo ông Satvinder, việc tổ chức thành công Ngày hội Khởi nghiệp ASEAN-Ấn Độ lần thứ nhất cho thấy cơ hội tăng cường hơn nữa hợp tác ASEAN-Ấn Độ nhằm thúc đẩy nền kinh tế khởi nghiệp.

Về phần mình, Thư ký Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, Tiến sỹ Srivari Chandrasekhar, cho biết nước này đang tìm cách tận dụng những đổi mới mang tính đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội toàn diện, đồng thời cho rằng quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ sẽ hỗ trợ và tác động thực sự đối với những nỗ lực này.

Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN Jayant Khobragade cho hay quốc gia này đã nổi lên như một hệ sinh thái lớn thứ 3 về khởi nghiệp trên toàn cầu với hơn 77.000 công ty khởi nghiệp được công nhận trên khắp cả nước.

Tính đến tháng 9/2022, Ấn Độ có 107 công ty kỳ lân với tổng giá trị 340 tỷ USD, trong đó có 21 công ty được thành lập trong năm nay với tổng giá trị 26,99 tỷ USD.

Chủ tịch BRIN Laksana Tri Handoko cho rằng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo - đặc biệt là trong các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ - đóng vai trò quan trọng như động lực chính của nền kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch.

Diễn ra trong 3 ngày, Ngày hội Khởi nghiệp ASEAN-Ấn Độ năm 2022 quy tụ những người đóng vai trò quan trọng tham gia vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực, bao gồm các quan chức chính phủ, công ty khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà phát minh, nhà sáng tạo, cũng như các tổ chức tài chính khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.