Tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu phát triển bền vững ngành càphê

Ngành càphê cần đẩy mạnh tái cơ cấu như tái canh, tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm.
Tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu phát triển bền vững ngành càphê ảnh 1Hội thảo "Thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành Càphê Tây Nguyên". (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Sáng 19/12, tại thành phố Pleiku (Gia Lai), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành càphê Tây Nguyên" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng và các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, Bộ đang xây dựng và triển khai "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025."

Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn càphê là một trong 5 sản phẩm chủ lực thực hiện thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 11 tỉnh, qua đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng ra cả nước.

Thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, càphê Việt Nam chủ yếu là dòng càphê Robusta đại trà, chất lượng trung bình nên hàng năm các doanh nghiệp chế biến vẫn nhập khẩu một lượng càphê Arabica để phối trộn trong sản xuất càphê rang xay.

Diện tích cây càphê trong cả nước hiện đạt khoảng 696.000ha, năng suất đạt 27,7 tấn/ha, sản lượng đạt 1.764.000 tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu tại vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng) với diện tích khoảng 639.000ha (chiếm tỷ lệ 92% so với cả nước), năng suất 28,5 tấn/ha (cao gấp 1,1 lần so với cả nước), sản lượng đạt khoảng 1.669.000 tấn (chiếm tỷ lệ 95% so với cả nước).

Trong giai đoạn 2014-2020, Tây Nguyên thực hiện tái canh 120.000ha; trong đó, trồng tái canh 90.000ha và ghép cải tạo 30.000ha.

Nhìn chung, thực trạng sản xuất và tiêu thụ càphê của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân vùng Tây Nguyên nói riêng gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, diện tích càphê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý (bón phân không cân đối; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; tưới nước quá mức cần thiết; chưa coi trọng cây che bóng, chắn gió; thu hái không đảm bảo độ chín); khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ; người sản xuất càphê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình.

Tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu phát triển bền vững ngành càphê ảnh 2Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Mặc dù một số mô hình liên kết nông dân đã được thành lập gần đây như nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã..., nhưng quy mô nhỏ, phụ thuộc vào các tác nhân cung ứng dịch vụ, chưa hình thành chuỗi giá trị có hiệu quả, chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà chưa phát huy được tiếng nói và vị thế của người nông dân sản xuất càphê.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, để sản phẩm càphê có được sự thống nhất về mẫu mã, chất lượng cần có sự liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp, nông dân.

Việc liên kết này khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp; trong đó, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò cầu nối hết sức quan trọng, tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất càphê.

Việc liên kết sản xuất giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn; doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thu mua, giảm chi phí, tỷ lệ hao hụt trong chế biến, lợi nhuận cao hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân.

Nông dân tham gia chuỗi liên kết sẽ trực tiếp bán hàng cho doanh nghiệp, không phải qua trung gian và nắm bắt được tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp cần thu mua, từ đó điều chỉnh hành vi canh tác phù hợp.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến, giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trong sản xuất càphê tại vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng càphê Tây Nguyên.

Đây cũng là căn cứ để triển khai thành công "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu phát triển bền vững ngành càphê ảnh 3Thu hoạch càphê tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Theo các nhà chuyên môn, ngành càphê cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu một cách hiệu quả như đẩy mạnh tái canh, tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu.

Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn về càphê bền vững, càphê chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, điều kiện kỹ thuật của người mua; hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật để họ yên tâm trồng trọt. Đặc biệt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng càphê.

[Tây Nguyên: Nâng tầm giá trị sản phẩm càphê Việt chất lượng cao]

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát triển hạ tầng thương mại (chợ đầu mối, siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ…), hệ thống logistics kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.

Bên cạnh tập trung duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, cần nhanh chóng phát triển các thị trường tiềm năng, nhất là EU và các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, các nước ASEAN...

Ngoài ra, củng cố tổ chức và hoạt động của các Chi hội, Tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất càphê. Trong đó, chú trọng củng cố tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị của các hợp tác xã sản xuất càphê.

Thành lập các hợp tác xã ngay tại vùng nguyên liệu để tạo chuỗi liên kết bền vững từ người nông dân đến nhà xuất khẩu. Hợp tác xã là cầu nối và là nơi tập hợp, quản lý các thành viên trong vùng canh tác tập trung, là nơi cung cấp đầu vào, nơi sơ chế sản phẩm và kết nối đầu ra.

Thành lập các đội dịch vụ để cung cấp nhân lực, vật lực, trí lực cho nông dân trong vùng nguyên liệu tập trung. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thế hệ trẻ trong vùng sản xuất quay về với nghành càphê và họ sẽ là người tiếp bước, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, sắp tới Tập đoàn sẽ thực hiện nhiều chương trình ở Tây Nguyên, kết hợp giữa làm kinh tế-xã hội và môi trường.

Giai đoạn này, Tập đoàn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên kết chặt chẽ hơn từ các đơn vị, nhà chuyên môn, hợp tác xã, nông dân để khẳng định vai trò, lợi ích, trách nhiệm của các bên nhằm nâng cao năng suất sản lượng càphê và đảm bảo ổn định đời sống của nông dân.

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ đưa đến một thông điệp là phải có sự liên kết giữa các tỉnh, kết hợp đặc điểm từng vùng, địa phương để tạo sự thống nhất ở quy mô lớn hơn, xây dựng thương hiệu càphê Tây Nguyên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai dự án VnSAT và một số dự án khác để phát triển càphê bền vững tại Tây Nguyên như chọn đặt cơ sở hạ tầng logistic cho ngành càphê nhằm tạo ra giá trị càphê và có nhiều sản phẩm tinh chế hơn. Qua đó, tạo ra chuỗi ngành hàng nhằm nâng cao giá trị cho hạt càphê và thu nhập cho người sản xuất.

Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội rất lớn, nhưng vì nhiều lý do nông sản của Việt Nam nói chung và càphê nói riêng vẫn chiếm tỷ trọng chưa cao tại thị trường châu Âu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các Tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Liên minh châu Âu nhằm tìm ra những phương án để tận dụng Hiệp định này một cách hiệu quả.

Sắp tới, Bộ sẽ xây dựng chiến lược, có đề án riêng về xuất khẩu để nông sản của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc ở hệ thống phân phối tại thị trường châu Âu. Do đó, càphê Tây Nguyên muốn vươn ra thị trường thế giới cần phải tư duy lại từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến càphê phù hợp với biến đổi khí hậu, tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.