Tổ chức Thương mại Thế giới tránh được nguy cơ khủng hoảng

Đầu tháng 11/2019, Mỹ đe dọa ngừng cấp tài chính cho WTO nhằm ngăn chặn sự đồng thuận cần thiết để thông qua ngân sách hàng năm của tổ chức này.
Tổ chức Thương mại Thế giới tránh được nguy cơ khủng hoảng ảnh 1Ngân sách hằng năm của WTO dựa trên sự đóng góp của các quốc gia thành viên. (Nguồn: AFP)

Lời đe dọa của Mỹ ngừng đóng góp cho ngân sách năm 2020 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã không còn "nghiêm trọng" sau khi các quan chức thương mại nhất trí về một dự thảo ngân sách mới tại Geneva trong tuần này.

Đầu tháng 11/2019, Washington đe dọa ngừng cấp tài chính cho WTO nhằm ngăn chặn sự đồng thuận cần thiết để thông qua ngân sách hàng năm của tổ chức này.

Ngân sách hằng năm của WTO dựa trên sự đóng góp của các quốc gia thành viên, với số tiền được tính dựa trên thị phần của mỗi quốc gia trong hoạt động thương mại quốc tế. Mỹ có mức đóng góp lớn nhất, với khoảng 22,7 triệu franc Thụy Sĩ (22,7 triệu USD) năm 2018, chiếm 11,6% ngân sách WTO.

Tuy nhiên, Washington ngày càng tỏ ra thất vọng về WTO, đặc biệt là hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này, với cáo buộc đe dọa đến các quyền chủ quyền của Mỹ.

Với việc liên tiếp bỏ phiếu ngăn chặn các quyết định bổ nhiệm thẩm phán tại Cơ quan phúc thẩm WTO, Mỹ bị chỉ trích gây ra “cuộc khủng hoảng” tại cơ quan này.

[Quan chức Canada kêu gọi Mỹ 'cứu' hệ thống thương mại toàn cầu]

Mặc dù chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán, song tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn kể từ khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

Cơ quan phúc thẩm WTO, đơn vị đưa ra phán quyết cuối cùng đối với các tranh chấp thương mại quốc tế, thường có bảy thẩm phán. Tuy nhiên, hai trong số ba thẩm phán duy nhất còn lại sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 10/12. Cơ quan phúc thẩm WTO sẽ không còn đủ số thẩm phán tối thiểu cần thiết để duy trì hoạt động.

Trong cuộc họp kín ngày 27/11, tại trụ sở WTO, dự thảo ngân sách mới cho năm 2020 dường như đã xoa dịu Mỹ với việc cắt giảm đáng kể ngân sách của Cơ quan phúc thẩm.

Theo một quan chức thương mại, dự thảo ngân sách tổng thể trị giá khoảng 197 triệu franc Thụy Sĩ là một con số khá ổn định trong thập kỷ qua, song dự thảo đề xuất cắt giảm ngân sách được phân bổ cho các thẩm phán của Cơ quan phúc thẩm, những chuyên gia bên ngoài chứ không phải nhân viên của WTO, từ 791.000 xuống 100.000 franc.

Dự thảo cũng giảm chi cho hệ thống kháng cáo và công tác phí của các thẩm phán xuống 100.000 franc, so với mức 2 triệu triệu franc hiện nay.

Đề xuất ngân sách sẽ được thảo luận lại vào tuần tới, trước khi nhận được sự phê chuẩn hoặc bác bỏ cuối cùng trong cuộc họp của ban điều hành WTO tại Geneva từ ngày 9-11/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.