Vào khoảng giữa tháng 12 đến hết tháng Một Dương lịch hằng năm, nếu bạn có dịp ghé vùng Tây Bắc sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc với màu trắng muốt của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng quyến rũ của hoa Tớ dày tô điểm cho những triền núi, cánh rừng chuẩn bị đón nàng Xuân.
Tớ dày là một loại hoa rừng, đồng bào Mông ở Tây Bắc Việt Nam cũng gọi là hoa Pằng tớ dày, nghĩa là hoa đào rừng. Còn ở cao nguyên Lâm Đồng, loài hoa này được gọi là Mai anh đào.
Giống hoa này thuộc chi anh đào ở dãy Himalaya, có mặt ở Chiang Rai Thái Lan, Myanmar, phía Nam Trung Quốc, Tây Bắc của Việt Nam từ Sapa cho đến Mù Cang Chải, Yên Bái và kéo dài cho đến Đà Lạt thuộc cao nguyên Lâm Đồng phía Nam nước ta.
Tớ dày hay Mai anh đào thuộc loại cây thân gỗ, chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Cây thường mọc ở sườn đồi, sườn núi, thân vươn cao, tán rất rộng.
Hoa Tớ dày nở vào dịp Tết của người Mông, trước Tết của người Kinh một tháng. Tớ dày sẽ rụng hết lá trước khi nở hoa. Hoa Tớ dày có 5 cánh phớt hồng, nhụy dài đỏ thắm, hoa nở thành từng chùm tràn đầy sức sống phủ kín tất cả các cành.
Vào khoảng gần giữa tháng 12 dương lịch hằng năm, hoa Tớ dày-Mai anh đào nở rộ trên các cánh rừng Tây Bắc và cao nguyên Lâm Đồng. Mỗi cây Tớ dày đều phủ kín sắc hồng rực rỡ giống như những đóa hoa khổng lồ khiến những cánh rừng ở Lạc Dương, Đà Lạt hay La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái… trở nên lộng lẫy hơn bao giờ hết, làm say đắm biết bao du khách.
Ở Yên Bái, hoa Tớ dày mọc tự nhiên ở các xã Nậm Khắt, Púng Luông hay Dế Xu Phình, trong đó nhiều và sớm nhất là ở xã La Pán Tẩn. Cây Tớ dày nở theo độ cao phân bố. Cây ở vùng cao hơn nở trước, các cây vùng thấp hơn nở sau. xã La Pán Tẩn ở khu vực cao nhất nên hoa nở sớm nhất.
Khi vào mùa hoa, thoạt đầu hoa Tớ dày không nở nhiều, chỉ nở từng chùm nhỏ trên ngọn cây, e lệ như cô thiếu nữ Mông chuẩn bị đi hò hẹn. Nhưng rất nhanh sau đó, núi rừng, đồi nương, làng bản trở nên lộng lẫy với sự bung nở rực rỡ của loài hoa này
[Yên Bái: Tưng bừng khai mạc Lễ hội hoa Tớ Dày Mù Cang Chải 2022]
Thời gian đẹp nhất của hoa Tớ dày là khoảng 10 ngày từ khi chớm nở. Hoa nở dày với hoa sắc đậm nhạt khác nhau. Mặt trời lên cao, ánh nắng chiếu rọi vào những cánh hoa Tớ dày càng khiến những bông hoa lung linh, đậm sắc hơn, khiến lòng người say đắm, rạo rực với linh khí đất trời.
Hoa Tớ dày là biểu tượng của mùa Xuân, mùa của chàng trai, cô gái người Mông đi tìm tình yêu và kết thành đôi lứa.
Với người Mông, sau một năm lao động vất vả, mùa vàng đã thu hoạch xong, thóc đã đầy nhà, khi những cây Tớ dầy nở hoa hồng rực núi rừng cũng là lúc những chàng trai cô gái Mông, xúng xính trong bộ váy mới đi chơi Tết, du Xuân.
Dưới những tán hoa Tớ dày, từng đôi trai gái Mông ô chao nghiêng, mắt tình sóng sánh, môi thắm má hồng, dìu dặt tiếng khèn, đàn môi, kèn lá thổn thức cả rừng Xuân.
Sức sống của loài hoa Tớ dày mãnh liệt như chính những người dân nơi đây. Do cây dễ sống nên người dân trồng Tớ dày ở khắp mọi nơi, bên hiên nhà, trong vườn và trên nương.
Cho dù mùa Đông nhiệt độ có xuống thấp tới dưới 5 độ C, băng giá, sương muối có thể làm chết nhiều loài thực vật nhưng cây Tớ dày vẫn dẻo dai, mạnh mẽ vượt qua.
Chỉ cần sau một ngày nắng, trên những cành cây khẳng khiu trụi lá, những bông hoa Tớ dày xinh đẹp bật nở, xua tan cái lạnh giá của mùa Đông khắc nghiệt, báo hiệu một mùa Xuân ấm áp đang đến.
Người Mông có câu:
“Làm mùa xem hoa Tớ dày
Xây lứa đôi xem đôi bàn tay”
Hoa Tớ dày nở cũng báo hiệu cho một mùa vụ mới. Khi trời đã sang Xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn nước dồi dào, bà con đi dẫn nước về đồng để trồng vụ Xuân. Hoa Tớ dày nở nhiều sẽ báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Không chỉ đồng bào người Mông yêu hoa Tớ dày mà những du khách ở dưới xuôi cũng không thể cưỡng nổi vẻ đẹp quyến rũ của loài hoa rừng này. Bởi thế, mỗi khi đến mùa hoa Tớ dày nở, núi rừng Tây Bắc như nhộn nhịp hơn với những đoàn khách du lịch đến thưởng lãm và say mê chụp ảnh hoa Tớ dày./.