Tổ quốc mãi gọi tên những người con làm rạng danh dân tộc

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm "Tổ quốc mãi gọi tên," nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Ngày 19/8, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm "Tổ quốc mãi gọi tên," nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh 2/9.

Nhắn nhủ với thế hệ trẻ Việt Nam, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ tuổi trẻ mỗi thời mỗi khác nhưng Tổ quốc chỉ có một. Ở bất cứ thời kỳ nào, Tổ quốc cũng gọi tên những đứa con thân yêu của mình. Nếu đất nước đã sinh ra những người trẻ anh hùng như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm trong thời kỳ kháng chiến, trong thế hệ trẻ hôm nay sẽ có những Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm của thời đại mới, làm rạng danh Tổ quốc, dân tộc.

Mỗi thời kỳ có một đặc điểm lịch sử-xã hội, do đó các bạn trẻ hiện nay cần sống hết mình với lý tưởng, sống trách nhiệm với chính bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Lòng yêu nước thể hiện ở những việc làm nhỏ nhất hàng ngày.

Ca sỹ Thái Thùy Linh với nhiều chương trình thiện nguyện cho trẻ em vùng cao, người khởi xướng chương trình "Mang âm nhạc đến bệnh viện" chia sẻ mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội, đất nước, nên mỗi cá nhân khỏe mạnh thì đất nước khỏe lên. Những tế bào khỏe hơn cần giúp đỡ, đùm bọc những tế bào yếu hơn.

Từ kinh nghiệm của bản thân, ca sỹ Thái Thùy Linh nhắn nhủ thế hệ thanh niên Việt Nam hãy bắt đầu từ những việc tốt nhỏ nhất, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng.

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 - tiến sỹ Nguyễn Bá Hải - chia sẻ với anh, tình yêu Tổ quốc giản dị là mong muốn cùng các bạn trẻ Việt Nam nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, làm giàu cho đất nước.

Trong thời gian đi du học tại Hàn Quốc, Hải đặt ra nhiều câu hỏi như tại sao sinh viên Mỹ, Hàn Quốc không đến Việt Nam học tập? Tại sao Việt Nam không có những phòng thí nghiệm khoa học như ở Hàn Quốc? Quê mình vẫn còn nhiều người nghèo, người khuyết tật, làm gì để giúp đỡ họ?

Với những trăn trở đó, anh Hải đã từ chối lời mời làm việc của một công ty Hàn Quốc với mức lương hơn 5.000 USD/tháng và trở về Việt Nam, lập phòng thí nghiệm, cùng các bạn trẻ triển khai nhiều dự án khoa học, công nghệ, vừa phát triển kinh tế vừa có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng, xã hội.

Lớp học "1 đôla" hay sản phẩm "mắt thần" cho người khiếm thị là những dự án, sản phẩm do tiến sỹ Nguyễn Bá Hải sáng tạo và thực hiện. Hiện nay, hơn 1.000 kính "mắt thần" đã được tặng cho người khiếm thị tại Việt Nam.

"Sinh ra trong một gia đình khó khăn hay một đất nước còn nghèo cần được coi là một may mắn đối với bản thân, cũng như với thế hệ trẻ Việt Nam vì đấy là động lực mạnh mẽ để phấn đấu, phát triển," tiến sỹ Nguyễn Bá Hải chia sẻ.

Giáo sư-tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, ôn lại lịch sử hào hùng của đất nước, những chiến công vẻ vang cũng như sự hy sinh xương máu của thế hệ cha ông và nhắn nhủ thế hệ trẻ về trách nhiệm tiếp nối truyền thống, phát huy tinh thần yêu nước trong mỗi việc làm, hành động.

Buổi tọa đàm "Tổ quốc mãi gọi tên" nằm trong chuỗi chương trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục