Thẩm phán Tòa án thành phố New York (Mỹ) Thomas Griesa ngày 12/3 ra phán quyết cấm ngân hàng Citibank thực hiện các khoản thanh toán cho các trái phiếu phát hành riêng theo luật pháp của Argentina, đặt ra một thách thức mới cho Chính quyền Buenos Aires trong cuộc chiến nợ công với các "quỹ kền kền".
Theo lập luận từ Citibank và Argentina, các trái phiếu chuyển đổi phát hành riêng theo luật pháp Argentina, cũng như chi nhánh của Citibank tại Argentina, không thuộc phạm vi phán quyết của tòa án Mỹ và do đó ngân hàng này được phép thanh toán các trái phiếu này cho các chủ nợ. Citibank cũng cho biết vai trò của mình trong quá trình này đơn thuần là bên xử lý các khoản thanh toán và không thuộc phạm vi lệnh cấm của tòa án.
Tuy nhiên, Thẩm phán Griesa không chấp nhận các lập luận trên. Ông khẳng định hành động của Citibank sẽ vi phạm phán quyết của tòa án New York hồi năm ngoái, theo đó Argentina không được thanh toán nợ cho các chủ nợ tham gia tái cơ cấu nếu không đồng thời thanh toán cho hai quỹ đầu tư Mỹ NML Capital và Aurelius Management, hai chủ nợ lớn nhất từng từ chối tham gia hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010.
Phán quyết này áp dụng với tất cả các hành động chi trả cho các khoản nợ nước ngoài. Các trái phiếu phát hành riêng theo luật pháp của Argentina song được tính bằng đồng USD và bán cho các chủ nợ nước ngoài cũng được coi là nợ nước ngoài dù được phát hành nội địa. Ông cũng khẳng định rằng bất kỳ bên nào hỗ trợ Argentina trong việc thanh toán nợ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Quyết định mới nhất của tòa án đã chặn đứng đợt thanh toán thứ 3 theo dự kiến thực hiện vào ngày 30/3 tới. Trước đó, Citibank đã thực hiện 2 đợt thanh toán trái phiếu hồi tháng 9 và tháng 12/2014 trong thời gian chờ đợi quyết định cuối cùng từ tòa án. Động thái mới nhất này cũng đóng băng nỗ lực của Argentina trong việc tìm cách thanh toán cho các chủ nợ mà nước này công nhận trong khi bỏ qua 2 "quỹ kền kền" NML và Aurelius.
Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Để có thể tái cơ cấu nợ, Argentina đã thuyết phục được những chủ nợ của 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đáo nợ và chỉ nhận một phần giá trị mặt của trái phiếu.
Tuy nhiên trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina lên tòa án New York.
Các quỹ này đòi Buenos Aires phải thanh toán toàn bộ trái phiếu theo giá trị mặt, cùng tiền lãi và tiền phạt, với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD. Các quỹ này đã được tòa án New York tuyên bố thắng kiện, đồng nghĩa với việc đẩy Argentina vào nguy cơ bị các chủ trái phiếu khác yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự. Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả số tiền khổng lồ ước tính lên tới 250 tỷ USD./.