Tọa đàm về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam tại Pháp

Đông đảo những người bạn Pháp yêu Việt Nam đã tham dự buổi tọa đàm về các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam tổ chức tại hành phố Malakoff, ngoại ô Paris.
Tọa đàm về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam tại Pháp ảnh 1Đông đảo bạn bè Pháp tới dự buổi tọa đàm. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội "Những người bạn của Léo Figuères" (ALF) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức ngày 11/4 tại thành phố Malakoff, ngoại ô Paris buổi tọa đàm với chủ đề “Việt Nam từ đấu tranh giải phóng dân tộc đến hiện nay.”

Đông đảo hội viên Hội ALF, đại diện lãnh đạo và người dân thành phố Malakoff đã tham dự buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, nhà sử học Alain Ruscio đã có bài tham luận về các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam và về các chiến sỹ đấu tranh vì hòa bình như Henri Martin, Raymonde Dien, Madeleine Riffaud, những người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa giành độc lập của nhân dân Việt Nam.

Hội ALF hoạt động nhằm tiếp nối sự nghiệp của Léo Figuères, một chiến sỹ cộng sản chống chủ nghĩa thực dân và từng là Thị trưởng của thành phố Malakoff trong 31 năm, từ 1965 đến 1996.

Léo Figuères nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Pháp (1945-1976), Tổng Biên tập tờ báo Avant-garde và tạp chí lý luận Les Cahiers du communisme, đã từng giữ vị trí Tổng thư ký của Hiệp hội thanh niên cộng hòa Pháp (UJRF).

Léo Figuères đã được ban lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp cử đến Việt Nam vào tháng 2/1950 để dự Đại hội thanh niên Việt Nam. Trong thời gian khoảng 4 tháng, ông đã gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo của Việt Nam tại khu căn cứ kháng chiến.

Ông đã viết nhiều phóng sự về cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi trở về Pháp, ông đã xuất bản cuốn sách ''Tôi trở về từ Việt Nam tự do'' đòi chính phủ Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.

Cuốn sách của ông đã gây tiếng vang lớn, được in lần đầu với 10.000 bản và được tái bản 11 lần đồng thời dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã nhắc lại các chặng đường đấu tranh lâu dài và gian khổ với bao mất mát hy sinh, nhưng cũng hết sức vẻ vang và oanh liệt của nhân dân Việt Nam.

Theo Đại sứ, trong 30 năm liên tục, nhằm bảo vệ nền độc lập tự do, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua hai cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt trong lịch sử hiện đại trên thế giới, đó là cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (từ 1946 đến 1954), và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (từ 1954 đến 1975), kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đại sứ cũng nhấn mạnh những thành tựu to lớn và toàn diện của Việt Nam kể từ sự nghiệp Đổi mới năm 1986 đến nay.

Theo Đại sứ, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đồng thời phát huy sự giúp đỡ chí tình và hiệu quả của bạn bè quốc tế theo tinh thần kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, nhằm đưa đất nước đến thắng lợi cuối cùng là bảo vệ được độc lập dân tộc và đạt được những thành tựu đổi mới to lớn.

Đại sứ cũng bày tỏ sự cảm kích trước hành động cao đẹp của Léo Figuère, một người bạn của nhân dân Việt Nam, người đã thông qua các bài báo và các cuốn sách đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp nhằm thức tỉnh công luận Pháp và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Trên thực tế, cuốn sách ''Tôi trở về từ Việt Nam tự do'' của ông cùng với các rất nhiều bài báo tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa được đăng trên các báo có tư tưởng tiến bộ tại Pháp và đề nghị về hòa bình cho Việt Nam, về trao đổi tù binh với Việt Nam được ông gửi thẳng lên nhà cầm quyền Pháp đã khiến chính quyền Pháp lúc bấy giờ, vốn là những người chủ trương tiến hành cuộc chiến tranh với Việt Nam vô cùng giận dữ, coi ông là kẻ phản bội đất nước và ra lệnh bắt giữ ông vào tháng 8/1950.

Đảng Cộng sản Pháp đã phải rút ông vào hoạt động bí mật và sau đó đưa ông ra nước ngoài sinh sống một thời gian.

Léo Figuère đã bị truy tố và bị xử vắng mặt 15 năm tù giam.

Mặc dù trải qua bao khó khăn, nguy hiểm, nhưng ông luôn tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam. Sự trung thành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng như những tình cảm ông dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam đã khiến ông trở thành biểu tượng của tình đoàn kết giữa hai Đảng cộng sản Pháp và Việt Nam và biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục