Tối 29/3, toàn bộ hành khách trên chiếc máy bay A320 của hãng hàng không Egypt Air bị bắt cóc trước đó cùng ngày, đã về đến sân bay quốc tế Cairo.
Chiếc máy bay A320 của EgyptAir bị bắt cóc khi đang thực hiện chuyến bay số hiệu MS181 từ thành phố Alexandria tới thủ đô Cairo.
Kẻ không tặc được cho là mang bom trên người đã bắt máy bay chuyển hướng tới sân bay thành phố Larnaca, ở bờ biển phía Nam Cộng hòa Cyprus.
Đối tượng sau đó đã đầu hàng và thả toàn bộ 81 người trên máy bay, trong đó có 15 thành viên phi hành đoàn và 21 người nước ngoài.
Đối tượng được xác định là Seif Eldin Mustafa, 59 tuổi, người Ai Cập. Các chuyên gia an ninh khẳng định đối tượng không mang đai bom trong người như những nghi ngờ trước đó.
Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết Mustafa là người thần kinh không ổn định và đây không phải là vụ tấn công khủng bố.
Theo Ngoại trưởng Cyprus Ioannis Kasoulides, đối tượng này yêu cầu được gặp vợ cũ người Cyprus.
Người vợ cũ này đã được đưa đến sân bay và nói chuyện với đối tượng. Tuy nhiên, ông Kasoulides không cho biết rõ thêm về việc này.
Cơ quan quản lý du lịch Liên bang Nga cùng ngày đã bác bỏ khả năng sớm nối lại các chuyến bay tới các điểm du lịch của Ai Cập, sau khi chiếc máy bay A320 của hãng hàng không Egypt Air bị bắt cóc.
Phát biểu trên kênh truyền hình Russia Today, người phát ngôn Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Nga Irina Tyurina khẳng định vụ bắt cóc trên chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch nối lại các chuyến bay giữa hai nước, vốn đã bị tạm dừng sau vụ máy bay chở khách của Nga bị rơi tại bán đảo Sinai hồi tháng 10 năm ngoái.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga Franz Klintsevich cũng cho rằng vụ không tặc đã làm mất cơ hội đàm phán về việc mở lại các chuyến bay giữa Nga và Ai Cập.
Trong những tuần gần đây, một số quan chức Nga đã khẳng định các chuyến bay giữa Nga và Ai Cập sẽ sớm được nối lại, song nhấn mạnh rằng khả năng này hoàn toàn phụ thuộc vào việc chính quyền Ai Cập cải thiện các biện pháp an ninh tại các sân bay.
Nga cũng đã đề xuất cử các chuyên gia an ninh nước này tới làm việc lâu dài tại các sân bay Ai Cập, song đề nghị này đã vấp phải một số ý kiến không tán thành từ phía Cairo, cho rằng điều này "vi phạm chủ quyền" của Ai Cập./.