Toan tính của hai cường quốc Nga và Mỹ qua cuộc họp Hội đồng Bắc Cực

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng lâu năm của Nga Sergey Lavrov đã nói chuyện thẳng thắn và bình tĩnh về những khác biệt của họ trong cuộc hội đàm bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực.
Toan tính của hai cường quốc Nga và Mỹ qua cuộc họp Hội đồng Bắc Cực ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải). (Nguồn: CNN/TTXVN)

AFP/Trang mạng charlotteobserver.com đưa tin đại diện 8 quốc gia giáp ranh Bắc Cực đã nhóm họp tại Reykjavik (Iceland) để thảo luận về hợp tác hòa bình trong khu vực trong bối cảnh nhiệt độ Trái Đất ấm dần lên và căng thẳng gia tăng, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ.

Sự nóng lên nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, các nguồn tài nguyên chưa được khai thác và các tuyến hàng hải mới được mở ra khi băng tan, cũng như tương lai của người dân địa phương là các chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của các ngoại trưởng.

Canada, Đan Mạch (thông qua lãnh thổ tự trị Greenland), Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ tham gia cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực diễn ra hai năm một lần.

Với sự ra đi của Donald Trump, người đã làm dấy lên sự kích động khi đề xuất mua Greenland vào năm 2019 và nhiều lần phản đối tham vọng của Nga và Trung Quốc trong khu vực, mọi con mắt giờ đây sẽ đổ dồn vào lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Nga sẽ kế nhiệm Iceland làm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bắc Cực - một cơ quan nhằm thúc đẩy đối thoại - vào thời điểm các cuộc diễn tập quân sự gia tăng trong khu vực.

Trước cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lần đầu tiên gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai gần.

[Cuộc gặp bộ trưởng ngoại giao Nga-Mỹ tối 19/5: bước đi thăm dò]

Ông Blinken nói: “Nếu các nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ có thể hợp tác... thế giới có thể trở thành nơi an toàn hơn.”

Ông đồng thời cảnh báo rằng Washington sẽ "đáp trả" bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov đáp: "Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về mọi vấn đề mà không có ngoại lệ nếu chúng tôi nắm được rằng các cuộc thảo luận sẽ được tiến hành một cách trung thực và dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau."

Mỹ đang trở lại

Mikaa Mered, Giáo sư tại Đại học Khoa học Po của Pháp và là một chuyên gia về Bắc Cực, nói với AFP rằng chính quyền Biden và Trump "chia sẻ một quan điểm chung khi nói rằng Mỹ đã trở lại Bắc Cực và là nước đi đầu trong hợp tác Bắc Cực."

Tuy nhiên, hai chính quyền có những động cơ khác nhau đằng sau sự quan tâm của họ đối với khu vực.

Giáo sư Mered nói: "Chính quyền Trump đã làm điều đó chủ yếu bởi các vấn đề liên quan đến năng lượng và an ninh, trong khi chính quyền Biden sẽ tập trung vào các chủ đề khác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Song, trong cả hai trường hợp, động lực của họ đều giống nhau: Mỹ đã trở lại."

Tại cuộc họp trước đó của Hội đồng Bắc Cực vào năm 2019 ở Phần Lan, chính quyền Trump đã ngăn cản việc ký kết tuyên bố chung, lần đầu tiên kể từ khi Hội đồng được thành lập cách đây 25 năm, khi từ chối đưa biến đổi khí hậu vào tuyên bố cuối cùng.

Được thành lập để tập trung vào sự hợp tác giữa các quốc gia và để tránh các vấn đề gây tranh cãi, Hội đồng Bắc Cực nói chung là một diễn đàn cho sự đồng thuận và việc thông qua một tuyên bố chung là điều chắc chắn diễn ra lần này.

Ngoài các quốc gia giáp Bắc Cực, Hội đồng còn bao gồm 6 tổ chức đại diện cho các dân tộc bản địa trong khu vực và 13 quốc gia quan sát viên, trong đó có Trung Quốc. Nhiệm vụ của cơ quan này không bao gồm an ninh quân sự và nó cũng không có quyền hạn pháp lý chính thức.

Đấu khẩu Nga-Mỹ bên lề hội nghị

Ngày 19/5, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga đã có cuộc đấu khẩu “lịch sự” tại Iceland trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ, trong bối cảnh mối quan hệ giữa các quốc gia trở nên xấu đi đáng kể trong những tháng gần đây.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng lâu năm của Nga Sergey Lavrov đã nói chuyện thẳng thắn nhưng bình tĩnh về những khác biệt của họ trong cuộc hội đàm bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực.

Cuộc họp diễn ra ngay khi chính quyền Biden thông báo với Quốc hội về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến một đường ống dẫn dầu gây tranh cãi ở châu Âu.

Chính quyền Biden đã trừng phạt 8 công ty và tàu thuyền của Nga vì liên quan đến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, đồng thời miễn áp đặt trừng phạt với hai thực thể của Đức.

Ông Lavrov nói: “Chúng tôi có sự khác biệt nghiêm trọng trong việc đánh giá tình hình quốc tế, chúng tôi có sự khác biệt nghiêm trọng trong cách tiếp cận các nhiệm vụ phải giải quyết để dẫn tới bình thường hóa quan hệ."

Sau cuộc họp kéo dài hơn dự kiến, trong 1 tiếng 45 phút, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Blinken đã kêu gọi Nga phóng thích 2 người Mỹ mà nước này đang bắt giữ, Paul Whelan và Trevor Reed.

Ông cũng nêu ra “những lo ngại sâu sắc” về việc Nga xây dựng quân đội ở biên giới Ukraine và các hành động của nước này chống lại Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài châu Âu Tự do/Đài Tự do.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov nói với các phóng viên Nga sau cuộc họp rằng các cuộc đối thoại diễn ra “mang tính xây dựng” và Nga đã đề xuất bắt đầu một cuộc đối thoại chiến lược mới và bao quát.

Hãng tin Tass dẫn lời ông Lavrov nói: “Hiện có rất nhiều đống đổ nát và không dễ để cào xới chúng lên, nhưng tôi cảm thấy rằng Antony Blinken và đội ngũ của ông ta đã quyết tâm thực hiện điều này. Đó sẽ không phải là vấn đề đối với chúng tôi.”

Một quan chức cấp cao của Mỹ gọi cuộc họp là "một khởi đầu tốt" và "không có tranh luận lớn", cho phép cả hai bên "đưa ra nhiều vấn đề mà hai tổng thống có thể thảo luận."

Toan tính của hai cường quốc Nga và Mỹ qua cuộc họp Hội đồng Bắc Cực ảnh 2Binh sỹ Nga gác tại căn cứ quân sự ở đảo Kotelny, bên kia Bắc Cực. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, không bên nào đưa ra thông tin cập nhật về tiến độ chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin và chỉ cho biết rằng các cuộc thảo luận về hậu cần vẫn tiếp tục.

Ông Blinken cho biết cuộc gặp của ông với Ngoại trưởng Lavrov sẽ là cơ hội quan trọng để kiểm chứng đề xuất rằng Mỹ và Nga có thể hợp tác trong một số vấn đề, như biến đổi khí hậu, Trung Đông, Iran và Triều Tiên, bất chấp những bất đồng gay gắt về những vấn đề khác.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh phần lớn thế giới đang tập trung vào cuộc chiến giữa Israel và Palestine. Ông Blinken lưu ý rằng trước đây Mỹ và Nga đã hợp tác trong vấn đề Bắc Cực.

Tuy nhiên, ông đã từ chối lời kêu gọi của Nga về việc khởi động lại các cuộc gặp thường xuyên giữa tổng tham mưu trưởng quân đội của các nước thành viên trong Hội đồng Bắc Cực và bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Nga tại cực Bắc.

Ngày 19/5, trong các cuộc họp liên tiếp với các ngoại trưởng từ các thành viên Hội đồng Bắc Âu khác, ông Blinken liên tục nhắc đến tầm quan trọng của việc “tiếp tục duy trì khu vực này như một trong những khu vực hợp tác hòa bình.”

Ông nói: “Chúng tôi lo ngại về một số hoạt động quân sự gần đây ở Bắc Cực. Điều đó làm tăng nguy cơ tai nạn và các tính toán sai lầm và làm suy yếu mục tiêu chung về một tương lai hòa bình và bền vững cho khu vực”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục