Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hàn gắn mối quan hệ với Pháp

Kênh truyền hình theo chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ vốn thân với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan - đã “khai quật” được một bản đồ mô tả phạm vi ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2050.
Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hàn gắn mối quan hệ với Pháp ảnh 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rvecep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ trước đây không mấy tốt đẹp, thậm chí còn khá phức tạp. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện mong muốn tìm cách hàn gắn mối quan hệ với Pháp vì nhiều toan tính khác nhau. Mối quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ được giới phân tích Pháp đánh giá dựa trên năm yếu tố như địa lý, lịch sử, kinh tế, luật pháp và tâm lý-xã hội học.

Thứ nhất, về vấn đề địa lý, Pháp được Thổ Nhĩ Kỳ coi là một quốc gia có quy mô tương đương. Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không giàu bằng Pháp. GDP của Thổ Nhĩ Kỳ đạt khoảng 700 tỷ euro (820 tỷ USD), GDP của Pháp cao gấp 4 lần con số này.

Thế nhưng, các vấn đề còn lại của Thổ Nhĩ Kỳ thì tương đương với Pháp. Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích rộng hơn, dân số đông hơn và trẻ hơn Pháp (diện tích 785.000km2, dân số 83 triệu người, tỷ lệ 2 trong số 3 người Thổ Nhĩ Kỳ dưới 35 tuổi). Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tự nhận là một cường quốc khu vực phía Đông Địa Trung Hải, còn Pháp là cường quốc ở phía Tây Địa Trung Hải.

Thứ hai, về vấn đề lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ coi Pháp là một đồng minh cũ. Liên minh Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ được hình thành từ thời Francis I (năm 1524) khi hai bên liên kết để chống lại Tây Ban Nha. Kể từ đó, liên minh ngoại giao giữa hai nước chưa bao giờ thực sự lung lay, thậm chí còn được đánh giá là một trong những quan hệ đối tác lâu đời nhất trong khu vực.

Vào đầu thế kỷ XX, Pháp cũng đã ủng hộ sự ra đời của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại với Kemal Atatürk vào năm 1923. Một số Tổng thống Pháp như Charles de Gaulle, François Mitterrand, Jacques Chirac đều có quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn cải thiện quan hệ với EU]

Tuy nhiên, gần đây mối quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xấu đi, nhất là kể từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền từ năm 2003 và ông Nicolas Sarkozy trở thành Tổng thống Pháp.

Kể từ đó đến này, giữa hai bên luôn xảy ra những bất đồng sâu sắc, trong đó đáng chú ý như việc: Pháp phản đối với Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập châu Âu, Pháp công nhận tội ác diệt chủng Armenia, Pháp hỗ trợ cho các chiến binh người Kurd ở Syria, tranh cãi về chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa Hồi giáo, bất đồng về vấn đề Libya và việc khai thác các mỏ khí đốt ở Địa Trung Hải, giáp ranh với các sự cố quân sự. Nhưng cuối cùng, quan hệ giữa hai bên gần đây có những dấu hiệu hàn gắn trở lại.

Thứ ba, về vấn đề kinh tế, quan hệ giữa hai nước có bước phát triển mạnh, nhưng phụ thuộc vào tình trạng quan hệ chính trị. Thương mại song phương đang tăng đều đặn (khoảng 15 tỷ euro năm 2020).

Thổ Nhĩ Kỳ là nhà cung cấp thứ 12 và khách hàng thứ 14 của Pháp. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ còn xuất khẩu ô tô và thiết bị gia dụng sang Pháp, đồng thời nhập khẩu máy bay và các sản phẩm thép của Pháp. Số lượng các công ty Pháp có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện tăng hơn 20 lần so với 30 năm trước

Bên cạnh đó, hai bên hiện vẫn tồn tại một số tranh chấp, trong đó có vấn đề khai thác khí đốt ở Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ hiện liên minh với Chính quyền Libya của Tổng thống Fayez-al-Sarraj để giành các hợp đồng khai thác khí đốt ở Libya, tiến tới giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Trong khi đó, Pháp hiện đang hợp tác chặt chẽ với Hy Lạp trong lĩnh vực này.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp là cầu nối cho quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với với EU, từ đó tạo thành vai trò kinh tế lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Một số hiệp định hải quan gắn kết Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ năm của châu Âu, với lượng đầu tư ngày càng tăng. 40% hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đến EU.

Và Thổ Nhĩ Kỳ cần các khoản đầu tư của châu Âu nhiều hơn vì nền kinh tế của nước này đang gặp nhiều khó khăn. 25% giới trẻ thất nghiệp, sức mua giảm 40% trong 3 năm qua, đồng tiền nội địa mất 25% giá trị chỉ trong 1 năm. Các đối tác châu Âu cũng chưa thực sự hấp dẫn đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó điển hình là năm 2020, Volkswagen đã từ bỏ việc mở nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ do căng thẳng ngoại giao.

Thứ tư, về vấn đề luật pháp, tuy đây không phải là vấn đề trọng tâm trong mối quan hệ song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, nhưng vẫn là rào cản đáng kể trong quan hệ hai nước.

Đã từ lâu, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp bị đặt nặng lên hai chủ thể là EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong vấn đề NATO hiện tồn tại một hiệp ước về pháp lý. Khi gia nhập NATO năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trụ cột chiến lược của liên minh, tiền đồn của NATO ở phía Đông, gần với cả Nga và Trung Cận Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã mua thiết bị quân sự của Nga. Chính việc “bắt cá hai tay” này của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phía Pháp chỉ trích gay gắt.

Trong vấn đề liên quan đến EU, giữa các bên không có một hiệp ước pháp lý. Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn đứng ngoài EU sau khi nộp đơn xin gia nhập vào năm 1987. Một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp, đã chặn đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vì nhiều lý do như tình trạng vi phạm nhân quyền hay hồ sơ di cư. Điều này đã khiến quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng.

Thứ năm, về vấn đề tâm lý và xã hội, trước tiên, đó là sự cạnh tranh giữa các nhà lãnh đạo. Tổng thống Macron bị Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho là kiêu ngạo, không khoan nhượng và quá đáng. Trái lại, Pháp cũng coi Tổng thống Erdogan cũng có tính cách tương tự. Tổng thống Erdogan đang cố tìm cách khôi phục sự vĩ đại của Đế chế Ottoman. Tổng thống Erdogan là người theo chủ nghĩa dân tộc, nhạy cảm và dễ xúc động. 

Hơn nữa, cả Tổng thống Macron và Erdogan đều có xu hướng coi người kia là người chịu trách nhiệm về những căng thẳng ở quốc gia mình. Pháp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ gây ra căng thẳng tôn giáo ở Pháp thông qua mạng lưới của cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ (400.000 người), trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Pháp ủng hộ người Kurd và người Armenia vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là kẻ thù, thậm chí là khủng bố.

Rõ ràng, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua một thời kỳ khá căng thẳng sau khi hai nhà lãnh đạo của hai nước liên tục có những chỉ trích nhau gay gắt. Mặc dù đều là các đồng minh trong khối NATO, nhưng hai nước từng cáo buộc nhau đang chơi "một trò chơi nguy hiểm" ở Libya, nơi một bên (Thổ Nhĩ Kỳ) ủng hộ chính phủ quốc gia và bên kia (Pháp) ủng hộ Tướng Haftar.

Tóm lại, quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về Pháp rất phức tạp. Hai nước từng là những đồng minh cũ, rồi lại trở thành đối thủ của nhau, nhưng cũng có nhiều điểm chung và giống nhau về nhiều mặt. Trong vấn đề về lợi ích, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, cũng như EU đều cần đến nhau và sẽ không bao giờ trở thành đối thủ của nhau.

Châu Âu cần Thổ Nhĩ Kỳ bởi nước này có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, đặc biệt là gần với các quốc gia có nguồn khí đốt phong phú. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia trung gian trung chuyển khí đốt sang châu Âu. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng góp rất lớn cho việc giữ gìn vấn đề an ninh chung trong khuôn khổ NATO.

Những mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp cũng như EU thời gian qua đang gây nhiều bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các chủ đề tranh cãi tiếp tục tích tụ như các hoạt động thăm dò gây tranh cãi ở khu vực tranh chấp phía đông Địa Trung Hải, vấn đề người di cư, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào chính trị ở Cyprus, hỗ trợ quân đội được đưa đến Azerbaijan trong cuộc chiến chống lại Armenia ở Nagorno-Karabakh…

Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng kinh tế xấu nhất nhất, đất nước ngày càng bị cô lập, sự phiêu lưu quân sự của Tổng thống Erdogan đang gây bất lợi cho nước này. Các đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông (như Qatar, Saudi Arabia…) đang mất dần niềm tin.

Thêm vào đó là tình thế có thể thay đổi với sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Joe Biden nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua hệ thống tên lửa S400 của Nga. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải tìm cách xích lại gần châu Âu hơn, đưa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU trở lại đúng hướng.

Rõ ràng việc Thổ Nhĩ Kỳ chủ động hàn gắn quan hệ với châu Âu là không còn lựa chọn nào khác. Điều này đã được Tổng thống Erdogan thể hiện hồi đầu năm trước các đại sứ châu Âu tại thủ đô Ankara. Tổng thống Erdogan cũng đã tuyên bố "tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ là ở châu Âu".

Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng tuyên bố nước này sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Pháp. Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một bước ngoặt mới chứ không đơn thuần là một cử chỉ chiến thuật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.