Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt xa phần còn lại của châu Á

Theo bài viết trên WSJ, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại mạnh mẽ, tích cực và mức lương nhân công tương đối rẻ, động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt xa phần còn lại của châu Á ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế thần tốc, dự trữ ngoại hối (đồng USD) và chính sách tiền tệ linh hoạt.

Dù giai đoạn tăng trưởng vàng “Goldilocks” hậu COVID-19 của Việt Nam dường như đang qua đi, nhưng các chỉ số thành tựu mà quốc gia này đạt được khiến nhiều nước khác phải ghen tị trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy yếu rõ rệt.

Trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal (WSJ), tác giả Megha Mandavia cho rằng giai đoạn “tăng trưởng vàng” - khi mọi thứ đều cân bằng đến hoàn hảo và những ngày suôn sẻ thuận lợi hậu đại dịch COVID-19 của Việt Nam dường như đã qua, nhưng những gì mà quốc gia này làm được đáng để nhiều nước trên thế giới ghen tị.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, giá cả tăng cao, nhiều biến động thay đổi, thì Việt Nam vẫn duy trì hàng loạt chỉ số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ và nhiều quốc gia khác cũng đều khao khát một thành công như thế.

WSJ nhấn mạnh, quốc gia này có thể sẽ nằm trong số những nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm tới, mặc dù đồng tiền nội tệ (VND) yếu hơn và dự trữ ngoại hối đang giảm đi.

Một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu thế giới Fitch Ratings đã xếp hạng Việt Nam ở mức ‘BB’ với “Triển vọng tích cực” để nêu bật đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

Fitch cho rằng, tỷ giá VND/USD vẫn đang tiếp tục chịu áp lực khi đồng USD mạnh lên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng đã giảm xuống dưới 100 tỷ USD nhưng tổ chức có đến hơn 100 năm kinh nghiệm trong việc đánh giá và cung cấp xếp hạng tín nhiệm cho các quốc gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư trên toàn thế giới này vẫn kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,4% vào năm 2022.

Đà tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam được thúc đẩy bởi đà phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ cùng với hiệu ứng cơ bản tốt.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy mức tăng trưởng trung và dài hạn mạnh mẽ của Việt Nam.

Theo WSJ, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại mạnh mẽ, tích cực và mức lương nhân công tương đối rẻ, động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.

[Chuyên gia kinh tế trưởng ADB: Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng]

Đồng thời, Việt Nam cũng có lợi thế xuất phát từ vị thế tăng trưởng đáng ghen tị: GDP quý 3/2022 tăng vọt 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh.

WSJ cũng nhận định rằng “Việt Nam cũng được ‘cách ly’ một phần khỏi đà gia tăng giá lương thực toàn cầu."

Việc Việt Nam gần như không chịu ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cao trên toàn cầu là vì nước này là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nói cách khác, Việt Nam là một cường quốc về lương thực, do đó, ám ảnh tăng giá toàn cầu đối với mặt hàng này không đe dọa quốc gia gần 100 triệu dân.

Các lợi thế của Việt Nam vẫn được duy trì tốt. Chỉ số CPI chỉ ở mức 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8. Thậm chí báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy CPI tháng 10 tăng 4,3%, vẫn ở mức thấp theo chuẩn khu vực.

Sau giai đoạn 2020-2021 đầy khó khăn, Việt Nam trải qua phần lớn thời gian của năm 2022 với lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp và tăng trưởng nhanh. WSJ cho rằng “thời thế hiện tại sẽ khó khăn hơn một chút”, nhưng vẫn đánh giá kinh tế Việt Nam duy trì đà tích cực.

Việt Nam đang sẵn sàng tăng trưởng nhanh trong năm tới. Natixis dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,5%, trong khi Capital Economics dự báo mức trên 7%.

WSJ khẳng định: “Dù giai đoạn tăng trưởng vàng của Việt Nam hậu đại dịch COVID-19 có thể đã qua, nhưng hầu hết các quốc gia vẫn vô cùng khao khát những con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ như vậy trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.