Theo phóng viên TTXVN tại Italy, hoạt động của các tổ chức tội phạm mafia đã làm suy giảm tới 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các vùng ở miền Nam Italy.
Đây là kết quả nghiên cứu của giáo sư kinh tế Paolo Pinotti, thuộc Đại học Bocconi ở Italy, thực hiện tại các vùng Basilicata và Puglia thuộc miền Nam Italy về đề tài tội phạm và đói nghèo.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động của các tổ chức mafia khét tiếng như Camorra, Ndrangheta... ở khu vực Đông Nam Italy đã gây ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế khu vực này nói riêng và đất nước Italy nói chung trong thời gian 30 năm, từ giữa thập niên 1970 đến giữa những năm 2000.
Theo giáo sư Pinotti, trong ba thập kỷ này, hai vùng Basilicata và Puglia không chỉ có tỷ lệ tội phạm giết người cao gấp 4 lần, mà tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng suy giảm nhanh chóng, từ khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất rơi xuống mức thấp nhất.
Trước thập niên 1970, tỷ lệ tội phạm giết người ở hai vùng nói trên chỉ tương đương ở khu vực miền Bắc và miền Trung Italy, vào khoảng 1 vụ/100.000 dân. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng gấp 4 lần trong thời gian sau đó.
Ngoài ra, tốc độ phát triển kinh tế của hai vùng từng được đánh giá là ổn định và tăng trưởng nhanh, thì nay đã bị cạn kiệt nhanh chóng do sự can thiệp sâu của các tổ chức tội phạm.
Giáo sư Pinotti khẳng định, theo tính toán, ảnh hưởng của tội phạm có tổ chức đối với kinh tế vào khoảng 16% và tỷ lệ này có thể tăng lên 20% nếu tính về dài hạn. Sự hiện diện của tội phạm có tổ chức có ảnh hưởng dài hạn đối với GDP bình quân trên đầu người.
Tuy nhiên, theo giáo sư Pinotti, tội phạm có tổ chức ở hai vùng Basilicata và Puglia vẫn chưa nguy hiểm bằng ở Sicily, Campania và Calabria, nên thiệt hại kinh tế có thể còn cao hơn nhiều./.