Tôn tạo mốc giới Việt-Lào thể hiện mối quan hệ truyền thống tốt đẹp

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, dự án tăng dày mốc quốc giới Việt-Lào là kiểu mẫu cho khu vực trong giải quyết vấn đề biên giới trên bộ.
Tôn tạo mốc giới Việt-Lào thể hiện mối quan hệ truyền thống tốt đẹp ảnh 1Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (bên phải) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith ký kết các văn kiện đánh dấu việc hoàn thành thắng lợi dự án. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 16/3, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào. Sự kiện này góp phần quan trọng vào việc củng cố và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào.

Bên lề hội nghị, ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam-Lào đã trả lời phỏng vấn báo chí một số vấn đề liên quan. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

- Thứ trưởng có thể cho biết ý nghĩa của việc hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Với buổi lễ long trọng tổng kết hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào được tổ chức ngày hôm nay, chúng ta đã chính thức hoàn thành toàn bộ dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên tuyến biên giới Việt Nam và Lào.

Từ nay, với một hệ thống mốc giới khang trang, hiện đại và mật độ tương đối dày, bình quân 2,6km/1 mốc, chúng ta đã có một đường biên giới rõ ràng, dễ nhận biết và dễ quản lý. Điều này sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho công tác quản lý biên giới nói chung, giữ gìn hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới nói riêng và đặc biệt sẽ tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác giữa hai nước, nhất là tại khu vực biên giới.

Cùng với đó, việc hoàn thành toàn bộ dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới đã thể hiện rõ nét mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Hai nước luôn kề vai sát cánh, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau để cùng chung sống hòa bình. Đây cũng là một kiểu mẫu cho các nước tại khu vực trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên bộ.

- Sau Lễ tổng kết dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, công việc đặt ra tiếp theo sẽ là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Hiện nay, việc quan trọng nhất là chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân cũng như các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới hiểu rõ những quy định và điều khoản hai nước đã ký kết trong “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào” để mọi người tự giác tuân thủ, giữ gìn tốt trật tự trị an khu vực biên giới; quản lý đường biên và hệ thống mốc giới cũng như thúc đẩy giao lưu, trao đổi kinh tế và hợp tác cùng có lợi giữa hai bên.

- Thứ trưởng chia sẻ một số kinh nghiệm được rút ra sau khi hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, có thể áp dụng các kinh nghiệm đó trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên bộ với Campuchia hay không?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Việt Nam trong quá trình làm việc với Lào cũng như Trung Quốc đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác phân giới, cắm mốc. Các kinh nghiệm đó đã được vận dụng vào quá trình làm việc, phân giới và cắm mốc biên giới với Campuchia.

Có thể thấy, công tác phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia đang được triển khai rất tốt đẹp. Chúng ta đã giải quyết được khoảng 84% công việc phân giới và cắm mốc trên thực địa và hiện chỉ còn một số khu vực với tổng chiều dài đường biên khoảng hơn 100km.

Tôi tin tưởng rằng, với thiện chí chung của cả hai bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận cũng như tình cảm hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, hai bên chắc chắn sẽ khắc phục được khó khăn, giải quyết được những vấn đề tồn đọng để xây dựng một đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, ổn định và hợp tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục