Tôn vinh giá trị lịch sử, nghệ thuật di sản Đờn ca tài tử Nam Bộ

Loại hình âm nhạc cổ truyền dân gian Nam Bộ này đã trở thành tài sản vô giá không chỉ của người dân Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại.
Tôn vinh giá trị lịch sử, nghệ thuật di sản Đờn ca tài tử Nam Bộ ảnh 1Các đội tham gia biểu diễn chào mừng loại hình đờn ca tài tử. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 6/4, tại Cần Thơ, Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, không gian Đờn ca tài tử chính thức khai mạc, với sự tham gia của 21 đơn vị tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử khu vực Nam Bộ.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 năm 2022, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức từ ngày 6-11/4, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 năm 2022 nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, nghệ thuật và trao truyền, lan tỏa di sản Đờn ca tài tử Nam Bộ - tài sản vô giá mà cha ông ta để lại cho cháu con, bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu, được vinh danh, được cam kết tiếp tục toả sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại. Đây là sân chơi của những tài tử Đờn, tài tử Ca.

[Mega Story] Bảo tồn và phát huy di sản thế giới Đờn ca tài tử Nam Bộ

Những người có thiên khiếu âm nhạc, có năng lực sáng tác và diễn tấu tìm đến sân chơi này để thỏa mãn đam mê, giao lưu, học hỏi nghệ thuật, tìm bạn tri kỷ, tri ân và không vì mục đích kiếm sống.

Đến tham gia hội thi, các đội sẽ biểu diễn 5 tiết mục dựa theo 20 bài bản tổ. Hành trang các tài tử mang theo bên mình là bửu bối: Tứ bửu, Liên bộ thập chương bất hủ của nhạc sư Trần Quang Qườn, Nguyễn Liêng Phong, Phạm Đăng Đàng, Nguyễn Tòng Bá... kết hợp nhuần nhuyễn với các bộ Ngũ Châu và Bát bộ của nhóm nhạc sư Nguyễn Quang Đại, Sáu Thới, Bảy Nhỏ, Tám Hạnh, Sáu Giỏi, Cao Huỳnh Cư...

Trải qua hơn 100 năm ra đời và phát triển, sau này có thêm nhiều đóng góp các hơi điệu phong phú như: ca ra bộ, vọng cổ, cải lương của các thế hệ tiếp nối nhưng nghệ thuật đờn ca tài tử vẫn tuân thủ nghiêm luật chặt chẽ và tinh tuý của 20 bài bản tổ.

Ngày nay, loại hình âm nhạc cổ truyền dân gian Nam Bộ này đã trở thành tài sản vô giá không chỉ của người dân Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại.

Chia sẻ niềm vui khi tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III, em Nguyễn Diễm My, 13 tuổi, thành viên Đoàn biểu diễn tỉnh Tây Ninh, chia sẻ: "Mẹ em là nghệ nhân Trần Thị Thúy An nên em được thấm các làn điệu ca cổ ngay từ khi còn nhỏ. Càng tìm hiểu và tham gia biểu diễn em lại càng thêm say mê. Em sẽ nỗ lực học hỏi để có thể theo đuổi niềm đam mê với loại hình đờn ca tài tử này một cách lâu dài và nghiêm túc."

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, đoàn Cần Thơ, cho biết Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022, Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, không gian Đờn ca tài tử là sự kiện được các nghệ nhân háo hức mong đợi. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay Liên hoan có sự chậm trễ so với kế hoạch. Tuy vậy, các nghệ nhân đã tận dụng thời gian này để tập luyện kỹ càng hơn các tiết mục, nhằm cống hiến một cách trọn vẹn nhất cho khán giả mộ điệu.

Đáng chú ý, đoàn Cần Thơ lần đầu tiên có sự tham gia của một tài tử nhỏ tuổi (9 tuổi), thể hiện tinh thần trao truyền, tiếp nối, gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này luôn được các thế hệ tài tử coi trọng và thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.