Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, sáng 29/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã thăm, nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Cùng dự có Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào.
Về phía Đảng, Nhà nước Việt Nam có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Buổi nói chuyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith được truyền hình trực tiếp tại Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
[Gìn giữ để mối quan hệ tốt đẹp Việt-Lào mãi mãi trường tồn]
Tại buổi nói chuyện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith bày tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành cho công cuộc giải phóng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào vui mừng nhận thấy dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh không ngừng trưởng thành, phát triển, đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật, trở thành nơi đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc tế trong đào tạo cho nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Nguồn nhân lực này đã và đang trở thành nguồn vốn quý báu cho Lào trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng trong việc phát huy mối quan hệ Lào-Việt Nam đời đời bền vững.
Thông báo kết quả một số cuộc tiếp xúc cấp cao trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cho biết trong các cuộc làm việc, lãnh đạo cấp cao hai nước một lần nữa cùng khẳng định mạnh mẽ truyền thống hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanuvong kính yêu gây dựng, vun đắp, được các thế hệ lãnh đạo, nhà cách mạng và nhân dân hai nước bảo vệ, phát huy trong nhiều thập kỷ qua, trở thành tài sản chung vô giá, là quy luật tồn tại và phát triển của hai dân tộc, một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng ở mỗi nước.
Nhìn lại truyền thống quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith khẳng định: “Trong giai đoạn cùng chiến đấu khốc liệt, hàng chục nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã gác lại gia đình, họ hàng, quê hương của mình, cùng nhau vác súng, đeo ba lô hành quân vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ sang nước Lào chúng tôi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cùng quân đội và nhân dân Lào đấu tranh chống thực dân kiểu cũ và mới. Có thể nói rằng, hầu hết các chiến trường trên mảnh đất Lào, chiến sỹ Lào-Việt Nam đều cùng nhau chiến đấu, chung một chiến hào, góp phần làm cho lực lượng cách mạng Lào từng bước giành được chiến thắng, hoàn toàn giành được thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành lại chính quyền và ra đời nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 2/12/1975.”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào đánh giá cao, biết ơn sâu sắc đối với sự đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả của chiến sỹ, nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng nhân dân Lào thoát khỏi ách đô hộ.
Trong tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường, cùng với âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, âm mưu phá hoại tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cho rằng, hơn lúc nào hết, hai nước cần tiếp tục bảo vệ, giữ gìn và phát huy quan hệ hữu nghị thủy chung, trong sáng giữa hai nước Lào-Việt Nam ngày càng hiệu quả, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững để tiếp tục truyền cho thế hệ trẻ hai nước.
Đồng thời, coi công tác bảo vệ, giữ gìn quan hệ này là trọng trách, nhiệm vụ cao cả của hai nước, xứng đáng với sự hy sinh cao cả và nguyện vọng của các thế hệ tiền bối.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, để làm được điều này, cần tích cực giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, thấm nhuần sâu sắc về nguồn gốc truyền thống quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.
Cùng với đó, Đảng, Nhà nước hai nước chủ động phản bác những xuyên tạc của các thế lực thù địch, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sẵn sàng đối phó và đẩy lùi âm mưu diễn biến hòa bình, cùng nhau bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, phát triển đất nước tiến lên mục tiêu xã hội chủ nghĩa, giữ gìn quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam đời đời bền vững.
Tự hào khi thấy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những thành tựu to lớn trong phát triển đất nước tiến bộ, vững mạnh toàn diện, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, góp phần làm cho vị thế, vai trò của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên diễn đàn quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cho rằng điều này đã minh chứng rõ dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực. Nước Việt Nam đã đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh trong năm 2021, hai nước đã diễn ra sự kiện quan trọng là thành công của Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong năm 2022, hai nước sẽ cùng nhau kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam và kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam. Hai Đảng của hai nước đang chỉ đạo triển khai tổ chức kỷ niệm những ngày lễ trọng đại, có ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ hai nước.
Cuối buổi nói chuyện, một lần nữa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào bày tỏ lòng biết ơn, chân thành cảm ơn đối với sự giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành cho công cuộc giải phóng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào; đồng thời gửi lời cảm ơn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong việc đào tạo cán bộ chủ chốt cho Lào, biên soạn bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập bằng tiếng Lào, là nguồn vốn quý báu để truyền lại cho thế hệ trẻ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào hy vọng, thời gian tới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Lào tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đào tạo để làm người, đào tạo để làm cán bộ, đào tạo để làm việc,” truyền đạt cho các thế hệ về thành quả cuộc cách mạng và bảo vệ thành quả cuộc cách mạng, cùng nhau phối hợp phát triển hai đất nước Lào-Việt Nam.
Khẳng định những chia sẻ chân tình, sâu sắc cùng những ghi nhận, đánh giá cao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đối với Học viện gợi mở những vấn để hết sức quan trọng cho cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện nghiên cứu, học tập, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đây là nguồn động viên to lớn đối với những nỗ lực phấn đấu của Học viện trong việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách.
Từ đó, tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế mà trước hết là với các tổ chức, cơ quan, đơn vị của nước bạn Lào, xứng đáng với vai trò cầu nối trong hợp tác toàn diện, có ý nghĩa chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam-Lào.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam giao nhiệm vụ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp cho Đảng, Nhà nước bạn Lào.
Hàng năm, Học viện tiếp nhận gần 500 học viên Lào theo học các hệ lớp cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, cáo cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, cao học và nghiên cứu sinh.
Tại Học viện, các học viên Lào đã tích cực học tập, nghiên cứu, rèn luyện. Nhiều người đã tốt nghiệp xuất sắc, trở về nước công tác đã phát huy hiệu quả kiến thức, bản lĩnh chính trị và kỹ năng được trau dồi, tích lũy, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Lào.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết những năm tới, Học viện tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách với các cơ quan của nước bạn Lào, trước hết là với Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Lào; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong các hoạt động hợp tác quốc tế; trong đó trọng tâm là triển khai Đề án chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp luận nghiên cứu tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Chủ tịch Kaysone Phomvihane; triển khai Dự án xây dựng cơ sở Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Lào tại Champasak.
Hai Học viện tăng cường chia sẻ tri thức trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách để cung cấp các luận cứ khoa học, tư vấn chính sách để cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực thi chủ trương, đường lối, luật pháp, chính sách của mỗi nước trong giai đoạn mới.
Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Trưng bày ảnh “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào” tại Hội trường số 1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trưng bày gồm 30 bức ảnh tiêu biểu nhất, được chọn lọc từ kho tư liệu ảnh quốc gia của TTXVN, phản ánh mối quan hệ truyền thống đoàn kết gắn bó, thủy chung đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào không ngừng được củng cố và phát triển có hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực.
Những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử sâu sắc trong chặng đường đã qua khẳng định mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam là tài sản chung vô giá được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp; nguồn lực quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ, phát triển của mỗi nước, góp phần vào việc giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Giới thiệu những bức ảnh tiêu biểu trong Trưng bày với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang cho biết mỗi bức ảnh trong 30 bức ảnh được chọn trưng bày dịp này đều ghi lại những dấu mốc lịch sử mối quan hệ gắn bó thủy chung của hai dân tộc.
Tiêu biểu như các bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane -Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam năm 1956; Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane đón đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam thăm vùng giải phóng Lào (2-6/11/1973); Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp đồng chí Khamtai Siphandon, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (4-7/1/1999); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm học sinh Trường hữu nghị chính thức Lào ngày 23/4/2007.../.