Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, ngày 16/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.
Tháp tùng Tổng Bí thư có nhiều vị Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, gồm 27 đảo lớn, nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất với 66% diện tích là rừng, nhiều bãi biển đẹp, có tiềm năng to lớn về phát triển du lịch, có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh. Đảng bộ, nhân dân huyện đảo vốn giàu truyền thống yêu nước cách mạng, kiên cường đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Trong giai đoạn 2011-2013, kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 26,17%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2014 đạt 26,4%. Khách du lịch tăng bình quân trên 13%/năm, riêng 7 tháng năm 2014 thu hút gần 325.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 1.230 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt gần 1000 tỷ đồng, vượt 78% chỉ tiêu nghị quyết.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,79%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3.400 USD/người/năm. Tại Phú Quốc, nhiều công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành đưa vào sử dụng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, trục giao thông chính Bắc-Nam đảo, đường điện cáp ngầm Hà Tiên-Phú Quốc, nâng cấp nhà máy nước... tạo thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của người dân và thu hút đầu tư, khách du lịch.
Làm việc với cán bộ chủ chốt của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy thời gian qua, Kiên Giang nói chung, Phú Quốc nói riêng, có những bước phát triển khá nhanh, toàn diện, nhiều mặt nổi trội.
Năm 2014, sản lượng lương thực của Kiên Giang dự kiến đạt 4,6 triệu tấn và còn có khả năng đạt cao hơn nếu tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, đưa giống mới vào sản xuất, đồng thời mở rộng thị trường, gắn chế biến với xuất khẩu. Riêng Phú Quốc, những năm vừa qua đã tập trung phát triển mạnh hạ tầng cơ sở, sân bay, bến cảng, đường giao thông, trường học, bệnh viện... phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là phát triển du lịch.
Kiên Giang đã tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện bài bản Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đã chỉ ra sai lầm khuyết điểm và tập trung sửa chữa.
Tổng Bí thư chỉ rõ trước mắt, Phú Quốc, Kiên Giang cần tập trung thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ lớn: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, dồn sức hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ 2011-2015; chuẩn bị thật tốt cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.
Đại hội Đảng là dịp để tổng kết, nhìn lại những việc đã làm được, những việc chưa làm được trong 5 năm qua, từ đó đề ra chủ trương, chiến lược phát triển Phú Quốc, Kiên Giang trong 5 năm, 10 năm tới, tập trung vào những khâu đột phá, những khâu trọng yếu, có điều kiện làm được và đang làm có hiệu quả, tập trung sức vào làm để phát triển mạnh, nhanh hơn nữa.
Với Phú Quốc, Kiên Giang, đó là phát triển kinh tế biển và du lịch. Là hòn đảo lớn nhất cả nước, có đầy đủ các điều kiện tự nhiên, địa lý rất thuận lợi, có lịch sử phát triển lâu dài và quan hệ với nhiều nước trong khu vực, Phú Quốc cần đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, phát triển những ngành nghề truyền thống, phục vụ thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của Tổ quốc.
Tổng Bí thư chỉ rõ phát triển du lịch là một khâu đột phá cần tập trung chỉ đạo làm tốt. Phú Quốc, Kiên Giang có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, việc kết nối các đường bay quốc tế đã góp phần thu hút khách du lịch đến từ nhiều nước, trong đó có Nga, các nước châu Âu. Nơi đây môi trường tuyệt vời, bãi biển xanh, sạch, đẹp, lại có nhiều di tích lịch sử, văn hóa... cần khai thác hết tiềm năng lợi thế, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, giáo dục truyền thống.
Về việc xây dựng Đặc khu hành chính - kinh tế, Bộ Chính trị cho ý kiến nhiều lần, Chính phủ nhiều lần phê duyệt, sửa đổi, bổ sung, rồi quyết định quy hoạch phát triển mới, Kiên Giang cũng rất quyết tâm. Với Phú Quốc, hình hài đã rõ và có điều kiện thực hiện, nhưng chúng ta chưa có thực tế, chưa rõ mô hình, lại liên quan đến cơ chế chính sách, luật pháp, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, khẩn trương chuẩn bị Đề án.
Về xây dựng Tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là việc làm cần thiết, Ban Bí thư cũng đã nhất trí về chủ trương, cần bổ sung quy hoạch, chuẩn bị đề án.
Tổng Bí thư lưu ý, trong tình hình mới hiện nay, phải rất quan tâm giữ gìn an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; phối hợp xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, không được để bị động bất ngờ.
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang nói chung cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, xây dựng nội bộ Đảng thật trong sạch vững mạnh, Đảng có vững, có tốt thì mới có thể làm nòng cốt để toàn dân đoàn kết. Trong xây dựng Đảng, cần hết sức lưu tâm giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, làm tốt công tác cán bộ, giữ vững các nguyên tắc của Đảng.
Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của của nhân dân, tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Phú Quốc, nơi yên nghỉ của 3.305 liệt sỹ, những người con thân yêu đến từ 41 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Khu di tích nhà tù Phú Quốc - trại giam tù binh cộng sản Việt Nam, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Nhà tù Phú Quốc do Mỹ-Ngụy xây dựng, nơi giam giữ gần 40.000 chiến sỹ cách mạng. Nơi đây, chúng đã áp dụng hơn 45 hình thức tra tấn tù binh từ thời trung cổ đến hiện đại. Hậu quả trong 5 năm (từ tháng 7/1967 đến tháng 3/1973) hơn 4.000 tù bình đã bị sát hại, minh chứng là những hố chôn tập thể, những chiếc đinh từ 8 đến 10cm còn găm ở xương đầu, ống chân, bàn chân, đầu gối... các hài cốt tù binh đã được tìm thấy. Sau khi tham quan khu di tích, xem các mô hình, hiện vật, tài liệu còn lưu giữ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xúc động ghi lưu bút.
“Tôi rất xúc động thăm Khu di tích nhà tù Phú Quốc - một bằng chứng lịch sử về tội ác cực kỳ dã man, tàn bạo của bọn thực dân, đế quốc; một bằng chứng hùng hồn về ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam.
Tôi mong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung tiếp tục giữ gìn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quý giá này để không ngừng giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta và đời đời ghi nhớ công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.”
Tại Phú Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm khu nghỉ dưỡng Vincom Group với quy mô 300ha, đang được khẩn trương thi công xây dựng, hoàn thành, góp phần phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện đảo.
Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thăm cơ sở chế biến nước mắm Khải Hoàn, tham quan Vườn quốc gia Phú Quốc, bến cảng Bãi Vòng./.