Tổng công ty Vicem 'lội ngược dòng,' tái cơ cấu thành công

Doanh thu 6 tháng ước đạt 18.000 tỷ đồng với lợi nhuận gần 1.700 tỷ đồng - tăng tới 62% so với cùng kỳ năm 2018 là minh chứng rõ nét cho việc tái cấu trúc thành công của Tổng công ty Vicem.
Tổng công ty Vicem 'lội ngược dòng,' tái cơ cấu thành công ảnh 1Đóng gói sản phẩm ximăng. (Nguồn: TTXVN)

Doanh thu 6 tháng ước đạt 18.000 tỷ đồng với lợi nhuận gần 1.700 tỷ đồng - tăng tới 62% so với cùng kỳ năm 2018 là con số ấn tựợng nhất từ trước đến nay của Tổng công ty Công nghiệp Ximăng Việt Nam (Vicem).

Đây là minh chứng rõ nét cho việc tái cấu trúc thành công của hệ thống Vicem, giúp những thành viên từ chỗ thua lỗ triền miên thoát khỏi "vùng trũng" để vươn lên.

Nhắc đến Vicem, suốt 2 năm qua, có lẽ câu chuyện được quan tâm nhiều nhất vẫn là việc tái cơ cấu 2 công ty thua lỗ là Ximăng Hạ Long (tiếp nhận từ Tổng công ty Sông Đà vào tháng 3/2016) và Ximăng Sông Thao (nhận lại từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD vào tháng 6/2017).

Hai đơn vị được tiếp nhận về "gia đình" Vicem chính là thêm gánh nặng và trách nhiệm cho Tổng công ty; thậm chí ảnh hưởng không nhỏ đến cả tiến trình cổ phần hóa của Vicem.

Theo Tổng Giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh, Tổng công ty đã thực hiện tăng vốn điều lệ 2 lần cho Ximăng Hạ Long sau khi tiếp nhận doanh nghiệp này với số tiền 960 tỷ đồng.

Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Ximăng Hạ Long đã khởi sắc hơn. Cụ thể, năm 2016 công ty lãi hơn 148,12 tỷ đồng; năm 2017 báo lỗ 199,5 tỷ đồng, nhưng do ảnh hưởng của lỗ chênh lệch tỷ giá cuối kỳ là 312,15 tỷ đồng.

Vicem ước lợi nhuận trước thuế của Ximăng Hạ Long năm 2018 đạt 130 tỷ đồng (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ).

[Xuất khẩu khó, ximăng dồn áp lực vào thị trường nội địa]

Đặc biệt, Ximăng Hạ Long lần đầu tiên tự cân đối để trả nợ gốc và lãi các khoản vay nước ngoài là 853 tỷ đồng.

Tương tự, cú lội ngược dòng cũng diễn ra tại Ximăng Sông Thao khi lợi nhuận trước thuế của đơn vị này năm 2018 đạt 30 tỷ đồng và đã trả được khoảng 96,8 tỷ đồng cho Quỹ tích lũy trả nợ thuộc Bộ Tài chính.

Trong khi đó, trước khi chuyển về Vicem, Ximăng Hạ Long nợ đến 7.989 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 3.640 tỷ đồng, còn Ximăng Sông Thao nợ 1.076 tỷ đồng với số lỗ lũy kế 436 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, tái cấu trúc doanh nghiệp ở Vicem đã thực sự thành công và tạo đà để đơn vị tự tin bước vào lộ trình cổ phần hóa.

Đến thời điểm này, Tổng Giám đốc Bùi Hồng Minh khẳng định, Vicem đã hoàn tất tái cấu trúc Công ty Ximăng sông Thao và Công ty Ximăng Hạ Long.

Cả hai đơn vị này đã đủ tiền để trả nợ cho hiện tại; riêng Công ty Xi măng Hạ Long đã trả được nợ cũ cho Bộ Tài chính hơn 1.000 tỷ đồng. Còn lỗ lũy kế qua các năm thì các đơn vị sẽ phải tiếp tục xử lý chứ không thể giải quyết ngay được.

Tái cấu trúc Xi măng Hạ Long và Sông Thao là thành công nhất của Vicem, chấm dứt được hai việc: lỗ và đủ tiền trả nợ hiện tại.

Ông Minh cũng khẳng định, không có chuyện Tổng công ty cấp vốn để trả nợ cho các đơn vị lỗ. Tái cấu trúc là để các doanh nghiệp này tự làm ra tiền, tự trả nợ, tự giảm lỗ chứ Tổng công ty không làm thay được vì đó là đơn vị thành viên hạch toán độc lập và phải làm theo đúng luật.

Về đề án cổ phần hóa Tổng công ty, ông Minh chia sẻ, Kiểm toán Nhà nước đã cơ bản kiểm toán xong xác định giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, cái vướng nhất hiện nay vẫn là xác định giá trị tài sản đất đai liên quan đến các địa phương.

Quan điểm của Vicem là thực hiện cổ phần hóa trên nguyên tắc cẩn trọng, tuân thủ trình tự pháp luật; đặc biệt không để mất vốn nhà nước.

Đây cũng chính là chủ trương của Bộ Xây dựng và Vicem, cổ phần hóa phải gắn với đề án tái cấu trúc.

Điều này đồng nghĩa với việc sau cổ phần hóa thì doanh nghiệp phải mạnh hơn hiện tại nên phải thực hiện cả tái cấu trúc.

Hiện ngành xi măng vẫn kinh doanh hiệu quả, đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các ngành khác phát triển, do đó Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chi phối chủ đạo.

Việc bán cổ phần Vicem cũng cần phải tính toán kỹ. Nếu Nhà nước không giữ được vốn tại Vicem thì sẽ khó kiểm soát giá xi măng trên thị trường, gây bất ổn - ông Minh phân tích.

Cũng có giả thuyết được đưa ra, nếu để các nhà đầu tư nước ngoài tự do mua cổ phần Vicem thì giá bán xi măng trên thị trường chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao, có thể bằng với giá xi măng của thị trường Philippines, tức khoảng 30 USD/tấn. Nếu như vậy, người dân và các nhà đầu tư trong nước sẽ phải chịu thiệt thòi.

Hiện Vicem đang thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và phải đối mặt với thách thức lớn nhất là hết năng lực sản xuất, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đấy.

Có những thời điểm căng thẳng, các nhà máy phải để phương tiện chờ. Do đó, giai đoạn này, Vicem phải cấu trúc nhanh để tối ưu hóa hoạt động sản xuất và mở rộng đầu tư.

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện Vicem dựa vào nguyên tắc tối ưu hóa các dây chuyền hiện đại để đưa sản lượng sản xuất tăng lên, chi phí cố định cho 1 tấn hàng giảm xuống.

Khi máy chạy đều thì tiêu hao chi phí biến đổi cũng giảm xuống. Chính vì vậy, giá thành xi măng vẫn ổn định cho dù giá điện và than đều tăng và doanh nghiệp vẫn kiểm soát được chi phí.

Dự kiến, năm 2019, Vicem sẽ đạt gần 17% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.