Tổng cục Thống kê: Đánh giá lại quy mô GDP là yêu cầu cấp thiết

Đánh giá lại quy mô GDP váo lúc này là đúng thời điểm và là nhiệm vụ cần thiết để đảm bảo theo thông lệ quốc tế; nguồn thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ.
Tổng cục Thống kê: Đánh giá lại quy mô GDP là yêu cầu cấp thiết ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại buổi thông tin với báo chí về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP), sáng 16/8, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, hiện nay, Tổng cục Thống kê đang tiến hành đánh giá lại quy mô GDP.

“Đánh giá lại quy mô GDP không phải là cách tính mới mà nhằm tính đúng, tính đủ và tính so sánh theo các năm. Cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo thông lệ quốc tế," Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Ông Lâm cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012.

Ngành thống kê tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản (hoạt động nhà ở tự ở, tự có); thay đổi phân ngành kinh tế từ hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam 2007.

Đánh giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ cần thiết để đảm bảo theo thông lệ quốc tế; nguồn thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ. Việc đánh giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm. Bởi GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng và việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn năm năm 2021-2025.

Phạm vi đánh giá lại quy mô GDP là thực hiện đánh giá lại quy mô GDP chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Nguồn thông tin sử dụng đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào tổng điều tra và hồ sơ hành chính của các bộ, ngành, địa phương.

Trong giai đoạn 2010-2017, Tổng cục Thống kê thực hiện tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, tổng điều tra kinh tế năm 2012 và năm 2017; đồng thời việc chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành ngày càng tốt hơn đã giúp thu thập được thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ, ngành.

[Chuyên gia ANZ lạc quan về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam]

Theo Tổng cục Thống kê, tác động của đánh giá lại quy mô GDP đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế cũng sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người. Từ đó, tác động đến định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.

Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Đánh giá lại quy mô GDP sẽ làm thay đổi cơ cấu GDP, đó là tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

“Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên," ông Lâm cho biết.

Trao đổi với phóng viên về sự cần thiết phải đánh giá lại quy mô GDP trong quá trình sản xuất thông tin thống kê, ông Robert Dippelsman, Phó trưởng Phòng Thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, IMF có một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo các quốc gia thành viên có được các số liệu tốt nhất về kinh tế, trên cơ sở đó xây dựng được những chính sách và quản lý kinh tế tốt nhất.

Ông Robert cũng cho rằng, hiện nay việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết.

“Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều cần phải rà soát đánh giá lại tốc độ tăng trưởng GDP của mình. Đối với một quốc gia có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc này sẽ khó khăn hơn. Tổng cục Thống kê hiện nay có một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là phải phối hợp được với tất cả các bộ, ngành, cơ quan để làm sao rà soát, đánh giá và đảm bảo độ bao phủ 100% như mong muốn của mình trong lần rà soát này…," ông Robert cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.