Bước sang quý 2, tình hình kinh tế-xã hội trong nước được giới phân tích dự báo còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường.
Thêm vào đó, kinh tế toàn cầu phục hồi cho thấy dấu hiệu chậm lại cùng với đó giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát hiện hữu.
Bức tranh chung chuyển gam màu sáng
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho hay tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021 và đây là mức tăng cao so với quý 1 của các năm 2021-2020.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh cộng thêm tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, bức tranh kinh tế-xã hội trong quý 1 của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực. Như, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 6%, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng xấp xỉ 9%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 13%, nhập khẩu tăng gần 16% (xuất siêu đạt 809 triệu USD). Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 1,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận mức tăng trên 4% đồng thời số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh gần 90%.
Bà Hương cho rằng để có kết quả trên là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
"Các cơ quan Trung ương và địa phương đã thích ứng an toàn, linh hoạt phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân cao nhằm quyết tâm phục hồi kinh tế-xã hội nhanh và bền vững," bà Hương nói.
Theo bà Hương, 5,03% là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Trên thị trường, cung-cầu hàng hóa được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Đặc biệt, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Về hoạt động sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng với vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 1. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Bảy giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng
Tuy nhiên, bà Hương đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, theo đó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Bà Hương kiến nghị các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành thống kê cũng đề xuất 7 nội dung giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đã đề ra.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19“ đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023, trong đó đặc biệt bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao tạo động lực thúc đẩy kinh tế.
Thứ hai là kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Các cơ quan chức năng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Ba là thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước đồng thời đẩy nhanh các dự án về điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi sản xuất tăng cũng như nhu cầu của người dân nhất là trong những tháng hè sắp tới.
Bốn là đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Giải pháp thứ năm là khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới.
Thứ sáu là đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp.
Giải pháp cuối cùng, bà Hương nhấn mạnh cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân./.