Tổng cục Thống kê: Năm 2020, CPI bình quân có thể đạt mức tăng dưới 4%

Dự báo, lạm phát năm 2020 từ nay đến cuối năm sẽ chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp tới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)

Dự báo, lạm phát năm 2020 từ nay đến cuối năm sẽ chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp tới.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ban Chỉ đạo điều hành giá cùng với sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu CPI bình quân năm 2020 có thể đạt được ở mức tăng dưới 4% trong năm nay.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

- Trước những diễn biến phức tạp của giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới và trong nước, xin bà cho biết diễn biến CPI trong 6 tháng đầu năm nay?

Vụ trưởng Đỗ Thị Ngọc: Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng CPI giảm 0,1% so với tháng trước.

CPI trong 6 tháng đầu năm nay tăng chủ yếu do: tháng Một và tháng Ba vừa qua là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực 6 tháng đầu năm nay tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI chung tăng 0,15%.

Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 3,23% chủ yếu do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và nhiều đơn vị liên quan khác thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn mặt hàng thịt lợn. Đó là kết nối với các doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp thực hiện nhằm ổn định thị trường thịt lợn; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn bù đắp nguồn cung thiếu hụt cho thị trường trong nước…

[Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,5-4%]

Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI 6 tháng đầu năm nay như giá xăng dầu trong nước giảm; giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới giảm. Cùng với đó, nhu cầu du lịch cũng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã triển khai hàng loạt các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định thị trường.

- Thời gian gần đây, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm giá thịt lợn. Tuy nhiên, đến nay, giá thịt lợn trong nước vẫn đang “đứng” ở mức cao. Tổng cục Thống kê có đề xuất giải pháp nào để giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng ở mức hợp lý?

Vụ trưởng Đỗ Thị Ngọc: Mặc dù, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giảm giá thịt lợn như tập trung tái đàn, tăng đàn; hỗ trợ ngân sách để địa phương hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi; các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi và mới đây, Chính phủ cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan.

Để giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng ở mức hợp lý, Tổng cục Thống kê đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tốt tái đàn an toàn, kết hợp với tăng cường tiêu độc, khử trùng, an toàn sinh học nhằm tránh dịch bệnh tái phát ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có giải pháp về phía doanh nghiệp chăn nuôi lớn để tăng cường bán lợn giống ra thị trường và giảm giá lợn giống tạo thuận lợi cho hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ và các hộ chăn nuôi tiếp cận được giống.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp nhập khẩu đảm bảo đủ số lượng thịt còn thiếu theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để bổ sung thịt lợn thiếu hụt trên thị trường.

- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá và có Đề án để báo cáo cấp thẩm quyền về việc đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ cần bình ổn giá, bà đánh giá như thế nào về chỉ đạo này?

Vụ trưởng Đỗ Thị Ngọc: Mới đây, tại cuôc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá và có Đề án để báo cáo cấp thẩm quyền về việc đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ cần bình ổn giá.

Tổng cục Thống kê: Năm 2020, CPI bình quân có thể đạt mức tăng dưới 4% ảnh 1Lực lượng chức năng kiểm tra việc kinh doanh thịt lợn tại chợ đầu mối. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo tôi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao bình ổn thị trường thịt lợn trong bối cảnh giá thịt lợn ở mức cao.

Việc đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ cần bình ổn giá hay không cần phải tính toán, đánh giá kỹ lưỡng những ảnh hưởng, tác động và ý kiến của tất cả các bộ ngành liên quan trước khi quyết định chính thức để đảm bảo tính khả thi vì giá mặt hàng này theo cung cầu thị trường.

- Lạm phát năm 2020 dự báo sẽ chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp tới. Bà nhận định về tình hình lạm phát năm 2020 như thế nào?

Vụ trưởng Đỗ Thị Ngọc: Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng CPI giảm 0,1% so với tháng trước.

Nhìn chung, mặt bằng giá 6 tháng đầu năm 2020 tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (4,19%), nhất là tháng Một năm nay tăng 1,23%, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành giá của năm 2020 dẫn đến việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4% gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát 6 tháng đầu năm nay đang theo kịch bản điều hành từ đầu năm.

Dự kiến các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát các tháng còn lại năm 2020 như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Đối với yếu tố thị trường, giá gas, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới; giá du lịch, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá một số đồ dùng gia đình, giá vật liệu xây dựng, giá một số dịch vụ tăng do nhu cầu tăng vào cuối năm.

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện nước sinh hoạt tăng cũng sẽ làm cho chỉ số giá điện, nước sinh hoạt tăng. Thiên tai và thời tiết bất lợi có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như căng thẳng Mỹ-Trung Quốc; căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, cùng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Tổng cục Thống kê: Năm 2020, CPI bình quân có thể đạt mức tăng dưới 4% ảnh 2Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 30/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ban Chỉ đạo điều hành giá cùng với sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương trong từng tháng từ nay đến cuối năm 2020, tôi tin mục tiêu CPI bình quân năm 2020 ở mức tăng dưới 4% trong năm nay có thể đạt được.

- Hiện nay cũng đã đến thời điểm giữa năm 2020, Chính phủ, các cơ quan chức năng đang nỗ lực bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; trong đó, có mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tổng cục Thống kê đã hiến kế cho Chính phủ những giải pháp gì nhằm duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo cung cầu của nền kinh tế để bình ổn giá cả, đảm bảo an sinh xã hội?

Vụ trưởng Đỗ Thị Ngọc: Để điều hành được mức CPI bình quân năm 2020 đạt mục tiêu đề ra và có thể điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, Tổng cục Thống kê kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tốt tái đàn an toàn, kết hợp với tăng cường tiêu độc, khử trùng, an toàn sinh học nhằm tránh dịch bệnh tái phát ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu, sắp xếp lại các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.

Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; thực hiện quản lý bình ổn giá. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng đồng bộ linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19.

Tôi cũng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả tuyên truyền và kiểm soát thông tin mạng ngăn chặn thông tin sai lệch gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và đẩy lạm phát kỳ vọng.

Xin cám ơn Bà!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.