Tổng giám đốc ILO: Kinh tế thế giới cần động lực mới để phục hồi

Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder cảnh báo về mức độ nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng do cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Tổng giám đốc ILO: Kinh tế thế giới cần động lực mới để phục hồi ảnh 1Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder. (Nguồn: ilo.org)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong thông điệp bằng văn bản gửi cuộc họp thường niên của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder đã cảnh báo về mức độ nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng do cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Tổng giám đốc ILO đã kêu gọi duy trì chi tiêu xã hội cũng như thay đổi cơ cấu để chống lại những nguy cơ ngày càng gia tăng về nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng trong bối cảnh thị trường lao động trên toàn thế giới tiếp tục quay cuồng vì cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ông Ryder nhấn mạnh trong khi có những nhóm người lao động được hưởng chế độ nghỉ ốm và được hỗ trợ chi trả các dịch vụ y tế, tiếp tục nhận lương nhiều người lao động ở tầng thấp nhất của tháp thu nhập phải gánh những hậu quả thảm khốc của COVID-19.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã bộc lộ những bất bình đẳng sâu xa và nếu không có những thay đổi cấu trúc sâu sắc, tình trạng bất đẳng sẽ gia tăng với những hậu quả khôn lường.

Ông Guy Ryder kêu gọi các chính phủ xây dựng khung chính sách hậu COVID-19 nhất quán với các nguyên tắc quốc tế về nhân quyền và đảm bảo các tiêu chuẩn an sinh xã hội.

[ILO: COVID-19 làm mất đi hàng trăm triệu việc làm và giảm 10% thu nhập]

Theo ông Ryder, các chính sách tài khóa cần tạo nền tảng thu hút đầu tư cần thiết cho các hệ thống bảo trợ xã hội toàn dân. Hầu hết các quốc gia đều đã huy động hệ thống bảo trợ xã hội riêng nhưng nhiều biện pháp được áp dụng chỉ mang tính tạm thời và thường không đủ để bù đắp sụt giảm thu nhập trong cuộc khủng hoảng kéo dài này.

Nhiều quốc gia đã triển khai các gói ngân sách quy mô lớn để ứng phó với khủng hoảng, đặc biệt để hỗ trợ thu nhập và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ILO nhận thấy rằng các gói kích thích không được phân bổ đồng đều trên toàn thế giới khi so sánh với quy mô của tình trạng gián đoạn thị trường lao động.

Gần 9/10 các biện pháp kích thích giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng tập trung ở các nước phát triển. Cộng đồng quốc tế cần tăng cường đoàn kết để thu hẹp khoảng cách về các biện pháp ứng phó tài chính với các nước mới nổi và đang phát triển đồng thời giúp nâng cao hiệu quả của các biện pháp kích thích.

Tổng giám đốc ILO cho rằng nền kinh tế thế giới cần tìm ra động lực mới hoặc ít nhất là tăng cường động lực hiện tại để phục hồi kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.