Tổng giám đốc IMF: Có thể phải hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nhấn mạnh trong tình hình bất ổn hiện tại, có nhiều khả năng IMF sẽ điều chỉnh dự báo kinh tế Trung Quốc theo hướng đi xuống.
Tổng giám đốc IMF: Có thể phải hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 29/11 cảnh báo tổ chức này có thể phải cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc, sau khi xuất hiện những bất ổn xung quanh chính sách chống dịch nghiêm ngặt của nước này.

Nhận định trên được bà Georgieva đưa ra trong cuộc họp báo tại Berlin sau khi gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và những người đứng đầu các tổ chức tài chính quốc tế khác.

Bà nhấn mạnh trong tình hình bất ổn hiện tại, có nhiều khả năng IMF sẽ điều chỉnh dự báo kinh tế Trung Quốc theo hướng đi xuống.

[Quảng Đông: Người tiếp xúc gần ca mắc COVID-19 được cách ly tại nhà]

Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cũng cho biết Trung Quốc đang xem xét chính sách "Không COVID" của nước này với quan điểm chuyển sang phản ứng có mục tiêu hơn đối với các ca nhiễm COVID-19. Điều này nhằm mục đích đảm bảo ít gián đoạn hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc, cũng như ít tác động tiêu cực hơn đến phần còn lại của thế giới.

Cũng theo bà Georgieva, IMF ủng hộ việc xem xét những gì Trung Quốc có thể làm để đưa chính sách chống dịch của nước này hiệu quả hơn đối với chính Trung Quốc, đồng thời thể hiện vai trò của thị trường tỷ dân trong nền kinh tế thế giới.

Trước đó vào tháng 10/2022, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống 3,2% trong năm nay do nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các chính sách "Không COVID" nghiêm ngặt, cũng như sự hạ nhiệt của lĩnh vực bất động sản quan trọng. Sang năm 2024, IMF dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tăng lên 4,4%.

Chính phủ Trung Quốc có cách tiếp cận khá cứng rắn liên quan đến việc áp đặt các lệnh phong tỏa và cách ly nhanh chóng những người mắc bệnh, đồng thời hạn chế quyền tự do đi lại của người dân để đối phó với những đợt bùng phát dịch nhỏ lẻ trên toàn quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.