Tổng giám đốc IMF tới Indonesia bàn về triển vọng kinh tế

Tổng giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde đến thăm Indonesia trong hai ngày 1-2/9 và tham dự Hội nghị tương lai châu Á do Ngân hàng Indonesia phối hợp với IMF tổ chức.
Tổng giám đốc IMF tới Indonesia bàn về triển vọng kinh tế ảnh 1Tổng giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đến thăm Indonesia trong hai ngày 1-2/9 và tham dự Hội nghị tương lai châu Á do Ngân hàng Indonesia phối hợp với IMF tổ chức tại thủ đô Jakarta.

Đây là Hội nghị cấp cao khu vực về tương lai tài chính của châu Á được tổ chức nhằm thảo luận các vấn đề về tài chính khu vực và phương thức tài trợ mới cho các nền kinh tế thị trường mới nổi của khu vực năng động này.

Ngoài việc tham gia các phiên thảo luận, bà Lagarde cũng sẽ gặp Tổng thống Joko Widodo, Phó Tổng thống Jusuf Kalla và các quan chức cao cấp về kinh tế, tài chính của Indonesia.

Chuyến thăm cũng là cơ hội để trao đổi quan điểm về tình hình, xu hướng phát triển kinh tế gần đây, triển vọng của Indonesia và vai trò của quốc đảo như là một nền kinh tế mới nổi cả trong khu vực và trên toàn cầu.

Tổng giám đốc điều hành IMF cũng sẽ gặp gỡ các nghị sỹ và đại diện của các tổ chức xã hội Indonesia, bao gồm cả các nhà lãnh đạo nữ và sinh viên đại học.

Đây là chuyến thăm thứ hai của Tổng giám đốc Christine Lagarde đến Indonesia, sau chuyến thăm đầu tiên vào tháng 7/2012.

Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1998, Indonesia đã ký một thỏa thuận vay với IMF. Tuy nhiên, ​IMF phủ nhận ý kiến cho rằng chuyến thăm của bà Christine Lagarde là nhằm thảo luận về các khoản vay mượn hay hỗ trợ tài chính dành cho Indonesia, mặc dù nền kinh tế quốc đảo này đang gặp những khó khăn nhất định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.