Tổng Giám đốc WTO gặp gỡ và đối thoại với các nữ doanh nhân Việt

Cuộc gặp gỡ và đối thoại với Tổng giám đốc WTO nhằm hỗ trợ các doanh nhân nữ, doanh nghiệp do nữ làm chủ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi và tiếp cận các cơ hội phát triển bền vững.
Tổng Giám đốc WTO gặp gỡ và đối thoại với các nữ doanh nhân Việt ảnh 1Tổng Giám đốc Thương mại thế giới (WTO) gặp gỡ, đối thoại với các Nữ Doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng dự án SheTrades tại Việt Nam và Mạng lưới Nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead) vừa tổ chức cuộc “Gặp gỡ và Đối thoại giữa bà Ngozi Okonjo Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với các Nữ Doanh nhân Việt Nam” trong khuôn khổ chuyến công tác của bà tại Việt Nam. Tham dự cuộc gặp gỡ và đối thoại với bà Ngozi Okonjo Iweala, có khoảng 50 đại biểu từ là các doanh nhân nữ Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, bà Ngozi Okonzio Iweala, Tổng Giám đốc WTO giới thiệu về Tổ chức Thương mại thế giới cùng với những sáng kiến của WTO nhằm tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ và những chương trình, kế hoạch của WTO phối hợp với Việt Nam trong thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp nữ tham gia thương mại quốc tế.

Nhân dịp gặp gỡ trực tiếp với các nữ doanh nhân Việt Nam, Tổng Giám đốc WTO đã kết hợp gặp lãnh đạo và thăm một doanh nghiệp tiên phong về kinh doanh bao trùm (kinh doanh tác động xã hội) do nữ làm chủ - Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.

[Hành trình 7 năm chắp cánh khát vọng của doanh nghiệp nữ]

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong việc quản lý, thực hiện, điều phối các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại đã tích cực triển khai, phối hợp với cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm tận dụng hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác nước ngoài trong việc giúp đỡ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương của Việt Nam.

Đặc biệt, Cục đã và đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nữ. Trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), hai bên đã thành lập Văn phòng Dự án SheTrades Việt Nam nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho các doanh nhân nữ, các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp có mong muốn tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu,

Tại buổi gặp gỡ, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nhà sáng lập, Chủ tịch Mạng lưới Nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead), Chủ tịch sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN), Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để các Nữ doanh nhân, doanh nghiệp do nữ làm chủ Việt Nam được cập nhật thông tin về hoạt động của WTO, những chương trình, kế hoạch của WTO phối hợp với Việt Nam trong thúc đẩy và hỗ trợ Doanh nhân nữ tham gia thương mại quốc tế và được tham vấn về những vấn đề mà Doanh nhân nữ Việt Nam đang quan tâm.

“Những chia sẻ của Tổng Giám đốc WTO sẽ là những kiến thức vô giá giúp cho các doanh nhân nữ tham dự hôm nay và thông qua WeLead sẽ lan tỏa tới cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam để họ vững tin hơn khi tham gia thương mại quốc tế,” bà Minh chia sẻ.

Tổng Giám đốc WTO gặp gỡ và đối thoại với các nữ doanh nhân Việt ảnh 2Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại và các đại biểu gặp gỡ Tổng Giám đốc Thương mại thế giới (WTO). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập công ty Cổ phần Sao Thái Dương, doanh nghiệp mong muốn chuyển tải đến người đứng đầu Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tinh thần của doanh nhân nữ Việt Nam, cách thức mà các doanh nhân nữ Việt Nam đối diện với thử thách và từng bước vượt qua.

“Công ty Cổ phần Sao Thái Dương giới thiệu đến Tổng Giám đốc WTO và các đại biểu về chiến lược kinh doanh bền vững, đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp khoa học công nghệ, đặc biệt, là định hướng theo mô hình kinh tế bao trùm - doanh nghiệp doanh nhân nữ tạo tác động tích cực tới phát triển xã hội,” bà Nguyễn Thị Liên Hương cho hay.

Cuộc gặp gỡ và đối thoại với Tổng giám đốc WTO là một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương, đặc biệt là sự hỗ trợ của Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, tổ chức WTO, tổ chức ITC, Welead và Công ty Cổ phần Sao Thái Dương và các tổ chức liên quan khác nhằm hỗ trợ các doanh nhân nữ, doanh nghiệp do nữ làm chủ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi và tham vấn với Lãnh đạo cao nhất của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhằm nâng cao kiến thức, tiếp cận các cơ hội phát triển doanh nghiêp bền vững và tham gia tiến trình thâm nhập thị trường thế giới của Việt Nam.

Sáng kiến SheTrades là một sáng kiến của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trên toàn thế giới nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ.

SheTrades có mặt tại 25 quốc gia và đã xây dựng thành công mạng lưới toàn cầu gồm 350 tổ chức đối tác từ 65 quốc gia. Tại Việt Nam, văn phòng SheTrades hoạt động dưới sự bảo trợ của Cục Xúc tiến Thương mại.

Kể từ năm 2019, chương trình SheTrades tại Việt Nam đã triển khai các dự án SheTrades và UPS, do Quỹ UPS tài trợ, nhằm tăng cường sự tham gia của các nữ doanh nhân trong thương mại bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo cơ hội cho các giải pháp hậu cần và phát triển. Văn phòng SheTrades Việt Nam (SheTrades Hub Vietnam) đã được thành lập, đi vào vận hành và đạt được những thành tựu đáng kể như đào tạo cho 700 doanh nhân nữ về các chủ đề như chiến lược xuất khẩu, bao bì sản phẩm, điều kiện thương mại quốc tế, thương mại điện tử..., mở rộng sự hiện diện tại 28 thị trường quốc tế thông qua việc tham gia các hội chợ thương mại, ước tính cơ hội kinh doanh tiềm năng là 2,3 triệu USD, và 76% người thụ hưởng cho biết hoạt động kinh doanh được cải thiện nhờ sự hỗ trợ của SheTrades Việt Nam.

WeLead - Mạng lưới nữ lãnh đạo tiên phong dẫn dắt sự thay đổi hướng tới bình đẳng, chuyên nghiệp và bền vững hơn, với sứ mệnh thúc đẩy, nâng tầm Doanh nhân nữ/doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua thay đổi chủ động, tích cực, hợp tác và sáng tạo.

Mục đích của WeLead là thay đổi vì một cộng đồng doanh nhân nữ mạnh mẽ và thích ứng hơn. WeLead tập trung vào 6 lĩnh vực hoạt động: Truyền thông dẫn dắt xu hướng; Nâng cao năng lực DNN/DN do nữ làm chủ; Hỗ trợ DN do nữ làm chủ Hội nhập quốc tế; Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên dành cho nữ doanh nhân; Vận động chính sách; Chương trình “Một phần trăm cho những việc tốt.” WeLead đang xây dựng Mạng lưới các doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.