Tổng kết đợt cao điểm trấn áp tội phạm buôn người Việt-Lào-Campuchia

Các bên đánh giá cao kết quả tổ chức thực hiện đợt tấn công trấn áp tội phạm mua bán người năm 2017 góp phần ngăn chặn và làm giảm sự gia tăng của loại tội phạm này.
Tổng kết đợt cao điểm trấn áp tội phạm buôn người Việt-Lào-Campuchia ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Sáng 14/3 tại Pakse, tỉnh Champasak, Nam Lào, đã diễn ra Hội nghị Tổng kết đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người Việt Nam-Lào-Campuchia.

Tham dự hội nghị về phía Lào có Trung tướng Somvang Thammasith, Thứ trưởng Bộ An ninh Lào; Đại tá Phengsavan Thipphavongvay, Tổng Cục phó, Tổng cục Cảnh sát Lào, Trưởng Ban thư ký Ủy ban quốc gia về phòng chống mua bán người.

Về phía Campuchia có Thống tướng Youk Sokha, Tổng cục phó Tổng cục Công an quốc gia, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia.

Đoàn Việt Nam do Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, làm trưởng đoàn. Cùng đông đảo các đại biểu đến từ các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp nhau giữa Lào, Campuchia và Việt Nam.

[Chủ tịch nước: Không để phức tạp tình hình khu vực biên giới]

Tại hội nghị, các bên đánh giá cao kết quả tổ chức thực hiện đợt tấn công trấn áp tội phạm mua bán người năm 2017 góp phần ngăn chặn và làm giảm sự gia tăng của loại tội phạm này. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng tình hình hoạt động của tội phạm buôn bán người trên thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, bọn tội phạm đã lợi dụng quan hệ chặt chẽ giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia về kinh tế, chính trị, xã hội với chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời tại vùng giáp biên để buôn bán người.

Không chỉ có nhiều nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, Việt Nam, Lào và Campuchia còn là địa bàn trung chuyển nạn nhân sang nước thứ 3; các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người chủ yếu tập trung vào địa bàn, tuyến biên giới giáp với Trung Quốc.

Trong đợt trấn áp cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người xuyên quốc gia năm 2017 giữa ba nước Đông Dương, lực lượng công an Việt Nam đã ngăn chặn, giải cứu gần 10 vụ vận chuyển phụ nữ Campuchia qua Việt Nam để đưa sang Trung Quốc.

Bên cạnh những kết quả tích cực mà các bên đã đạt được, hội nghị cũng thẳng thắn thừa nhận việc phối hợp chia sẻ thông tin về tội phạm mua bán người giữa Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia vẫn còn hạn chế, việc cập nhật tình hình tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình...

Công tác phối hợp quản lý khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào vẫn còn sơ hở, thiếu sót, do vậy các hành vi vi phạm liên quan đến xuất nhập cảnh trái phép, đưa người qua biên giới, chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tội phạm mua bán người qua biên giới giữa ba nước Đông Dương.

Tổng kết đợt cao điểm trấn áp tội phạm buôn người Việt-Lào-Campuchia ảnh 2Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Với kết quả tích cực của năm 2017 và với thực tế diễn biến tình hình tội phạm như trên, hội nghị nhất trí tiếp tục tổ chức thực hiện đợt tấn công trấn áp tội phạm mua bán người xuyên quốc gia giữa Lào-Campuchia-Việt Nam 2018, trong đó tập trung tăng cường công tác tuyên truyền ý thức nhân dân ba nước về hậu quả, tác động, âm mưu thủ đoạn của tội phạm mua bán người, biện pháp phòng chống và sự hợp tác với các bộ phận liên quan; tiếp tục trao đổi thông tin về tội phạm, cùng theo dõi, truy tìm đối tượng, đường dây tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, kịp thời truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu, trao trả nạn nhân về nước thông qua đầu mối phối hợp đã có của ba nước.

Bên cạnh đó, các bên cũng thống nhất công an các tỉnh và huyện có chung biên giới ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam tổ chức hội nghị trao đổi, hợp tác trên cơ sở sự đồng ý của hai hoặc ba bên để tìm ra biện pháp giải quyết các vấn đề mua bán người và tấn công phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Cuộc họp nhất trí Hội nghị Tổng kết năm 2018 sẽ được tổ chức tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục