Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng ước tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội 9 tháng qua được tổ chức tại Hà Nội, sáng 29/9, Tổng cục trưởng cho biết, trong số tăng trưởng trên, quý 1 tăng 5,15%; quý 2 tăng 6,28% (cao hơn 1,13 điểm phần trăm so với quý 1); ước tính quý 3 tăng 7,46% (cao hơn 1,18 điểm phần trăm so với quý 2).
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, tăng trưởng kinh tế khởi sắc với tốc độ tăng quý sau cao hơn quý trước. Công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu có bước đột phá. Chuyển đổi cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và vai trò của Nhà nước kiến tạo bước đầu phát huy hiệu quả. Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý.
Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,80 điểm phần trăm.
[ADB: Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn vào cuối năm]
Đặc biệt, sự phục hồi và tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kết quả ấn tượng của các ngành dịch vụ là những điểm sáng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bứt tốc mạnh mẽ trong quý 3, ước tính tăng 16,63%, cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây do có sự đóng góp quan trọng của các ngành: sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm từ kim loại...
Trong đó, chỉ số sản xuất ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại quý 3 tăng tới 45,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng qua tăng 25,1% chủ yếu do Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử giá trị cao. Ngành sản xuất kim loại 9 tháng năm nay đạt mức tăng 21,4%, trong đó có sự đóng góp của Tập đoàn Formosa mới đi vào sản xuất; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 14,2%...
Bà Phạm Quỳnh Lợi, Vụ phó Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ cũng cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng qua ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước (với 2 tháng liên tiếp đạt kỷ lục về xuất khẩu trên 19 tỷ USD; theo đó, tháng 8 đạt 19,8 tỷ USD và tháng 9 đạt 19 tỷ USD).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín này tăng 0,59% so với tháng trước; CPI bình quân 9 tháng qua tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng Chín này tăng 1,83% so với tháng 12/2016 và tăng 3,40% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI bình quân năm nay dưới 4% có thể đạt được trong bối cảnh có thể điều chỉnh được hết các loại giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm nay, bà Vũ thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhấn mạnh.
Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng qua tăng mạnh, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng đạt con số ấn tượng, 9 tháng năm nay, cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 902.700 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, còn có 21.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng qua lên hơn 115.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như tiến độ thu, chi ngân sách nhà nước còn chậm; thiệt hại do thiên tai, bão lũ còn lớn và dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp...
Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9 vừa qua ước tính đạt 786.300 tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán năm; tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9 vừa qua ước tính đạt 851.500 tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán năm.
Đặc biệt, một nguyên nhân nữa là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với các năm do việc giao kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%, quý 4 năm nay tăng trưởng phải đạt 7,31%. Đây là mục tiêu khá cao nhưng với những kết quả khả quan trong 9 tháng qua, đặc biệt là xu hướng phát triển trong quý 3 cùng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện có hiệu quả của bộ, ngành, địa phương, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7% có khả năng đạt được.
Để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra một loạt các giải pháp như điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017; đồng thời, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu...
“Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện, đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017,” Tổng cục trưởng nhấn mạnh./.