Tổng thống H.Rouhani: Iran sẽ ở lại JCPOA vì lợi ích quốc gia

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Rouhani khẳng định: "Bằng việc duy trì thỏa thuận hạt nhân, chúng ta sẽ đạt một mục đích lớn về chính trị và an ninh."
Tổng thống H.Rouhani: Iran sẽ ở lại JCPOA vì lợi ích quốc gia ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại cuộc họp báo ở Tehran, Iran. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 12/11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran có ý định duy trì thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vì lợi ích quốc gia.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Rouhani khẳng định: "Bằng việc duy trì thỏa thuận hạt nhân, chúng ta sẽ đạt một mục đích lớn về chính trị và an ninh."

Ông cho biết thêm: "Khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ vào năm tới, chúng ta có thể mua bán vũ khí," đồng thời khẳng định đây sẽ là một "thành công chính trị" đối với Iran.

Theo JCPOA và nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc nhằm vào Iran sẽ được dỡ bỏ vào tháng 10/2020.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia hạn lệnh cấm vận này sau năm 2020.

[Iran gia tăng hoạt động đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ]

Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/11, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Anh đã cùng kêu gọi Iran tuân thủ JCPOA, hoặc sẽ phải đối mặt với các hành động, có thể bao gồm các biện pháp trừng phạt.

Bà Mogherini đã bày tỏ lo ngại trước quyết định của Iran về việc tiếp tục làm giàu urani cấp thấp tại nhà máy hạt nhân Fordow dưới lòng đất vào tuần trước. Bà khẳng định hành động này không phù hợp với JCPOA.

Các lãnh đạo châu Âu cho biết sẵn sàng xem xét tất cả các nội dung trong JCPOA, bao gồm cả cơ chế giải quyết tranh chấp, để xử lý các vấn đề liên quan đến trách nhiệm thực hiện các cam kết của Iran trong thỏa thuận mà họ đã đặt bút ký vào năm 2015.

Cùng ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố một báo cáo cho biết Iran làm giàu urani tại địa điểm chưa từng công bố.

Theo IAEA, các yếu tố được phát hiện tại cơ sở trên được cho là sản phẩm của urani đã được khai thác nhưng chưa được làm giàu. Báo cáo cũng nêu rõ rằng: "Iran cần tiếp tục hợp tác với IAEA để giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt."

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, dù báo cáo của IAEA không nêu đích danh cơ sở trên, nhưng các nguồn tin ngoại giao trước đó cho biết cơ quan này đang đặt nghi vấn với Iran về một cơ sở hạt nhân ở tỉnh Turquzabad, ngoại ô thủ đô Tehran, mà Israel cáo buộc là tiến hành hoạt động hạt nhân bí mật.

Đây là lần đầu tiên cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc thừa nhận những cáo buộc của Mỹ và Israel về chương trình hạt nhân bí mật của Iran là chính xác.

Hiện, lượng urani làm giàu ở mức thấp của Iran đã vượt quá mức giới hạn cho phép trong JCPOA, và mức độ làm giàu urani đang là 4,5%, cũng cao hơn mức 3,67% cho phép trong JCPOA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.