Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam: Cam kết tăng hợp tác song phương

Một chuyên gia phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Mỹ nhận định ít nhất sẽ có cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác song phương trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam: Cam kết tăng hợp tác song phương ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump. (Nguồn: AP)

Nhân dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Hà Nội sau khi tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, phóng viên TTXVN tại Washington đã có cuộc phỏng vấn ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge, nguyên Giám đốc phụ trách các vấn đề về Việt Nam thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (US-ABC).

Ông Nelson cho biết các chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai đều tính đến sự thành công về chính trị và kinh tế trong quan hệ với châu Á, do khu vực này được coi là động lực cho sự tăng trưởng toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Trump đã đặt ưu tiên "xoay trục" về châu Á, thể hiện qua các chuyến công du của các quan chức Mỹ tới khu vực này.

Tổng thống Trump cũng đã sớm thông báo sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), cũng như tới thăm 5 nước châu Á.

Đây là chuyến công du châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ từ trước đến nay.

Theo ông Nelson, các ưu tiên hiện nay của Mỹ đối với châu Á bao gồm giải quyết vấn đề Triều Tiên để đảm bảo tình hình an ninh luôn ổn định, tiếp tục tự do hàng hải ở Biển Đông, cũng như giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với một số đối tác châu Á.

Ông bày tỏ hy vọng nhân dịp tham dự hội nghị APEC, EAS và thông qua các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một số nền kinh tế quan trọng với Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump sẽ hình thành các ý tưởng trong chính sách đối ngoại trong những năm tới, đặc biệt là đối với châu Á.

[Infographics] Tổng thống Mỹ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Quan chức trên cho rằng Việt Nam có vai trò quan trọng trong APEC và hiện là một trong những nước được dự báo đạt tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian tới.

Việc là chủ nhà APEC 2017 sẽ giúp Việt Nam có cơ hội chứng tỏ rằng chính phủ đang hướng tới cải cách kinh tế cũng như đang thực hiện các cam kết của mình, đặc biệt là về hội nhập kinh tế toàn cầu.

Đối với các nền kinh tế quan tâm tới vấn đề đa phương hóa quan hệ quốc tế, APEC là một diễn đàn tuyệt vời vì tại đây sẽ đưa ra các ý tưởng phát triển kinh tế và kết nối các nền kinh tế thành viên.

APEC tập trung tìm hướng đẩy mạnh tăng trưởng, tạo việc làm và cùng nhau tạo ra thịnh vượng, do đó đây chính là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ cách tiếp cận cũng như các ý tưởng của mình.

Ông Nelson cho biết các cuộc thảo luận tại APEC đã diễn ra trong suốt năm, đề cập đến nhiều vấn đề với mục đích cuối cùng là khả năng hình thành một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi các nền kinh tế đều thống nhất về các quy định thương mại.

Các cuộc thảo luận này giúp xác định và giải quyết các rào cản trong một số lĩnh vực quan trọng. Việt Nam có thể đóng góp ý tưởng về tăng trưởng bền vững, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế hiện đại, các kinh nghiệm mà nhiều nước phát triển đã trải qua, hoặc là an ninh của các nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay vấn đề biến đổi khí hậu.

Về khả năng Mỹ và Việt Nam đạt được một thỏa thuận sau chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Trump tới Việt Nam, ông Nelson cho rằng ít nhất sẽ có cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác song phương.

Ông nhận định mặc dù một thỏa thuận thương mại tự do song phương là không dễ dàng, song các cuộc tiếp xúc cấp cao sẽ tạo ra các bước tiến tới mở rộng quan hệ giữa hai nước.

Ông cũng nhận định chuyến thăm chính thức tới Mỹ vừa qua của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là để đặt nền tảng cho phát triển quan hệ hai nước trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục