Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/2 cho rằng kinh tế nước này đã vượt qua được những tác động tồi tệ nhất của các lệnh trừng phạt và sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay.
Theo Tổng thống Putin, nước này đã đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa đối với nền kinh tế và trong một số lĩnh vực sản xuất nhất định.
Tình hình kinh tế Nga đã có sự thay đổi lớn sau khi nổ ra xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022, khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến các ngân hàng lớn nhất bị loại ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), việc tiếp cận công nghệ và khả năng xuất khẩu bị hạn chế.
Trong khi Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga thừa nhận có những khó khăn, nền kinh tế nước này được cho là vẫn vững và các biện pháp trừng phạt đã tác động ngược trở lại đối với phương Tây, khi khiến lạm phát và giá năng lượng tăng.
Tính đến nay, Liên minh châu Âu đã áp đặt 9 vòng trừng phạt đối với Nga. Gói trừng phạt về kinh tế của EU nhằm vào Nga bao gồm một loạt biện pháp như hạn chế đối với thương mại, tài chính, công nghệ và hàng hóa lưỡng dụng, công nghiệp, vận tải và hàng xa xỉ.
Ngoài ra còn có lệnh cấm nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu thô bằng đường biển và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga sang EU, loại bỏ các ngân hàng của Nga khỏi SWIFT và đình chỉ hoạt động phát sóng cũng như giấy phép của một số cơ quan truyền thông do Chính phủ Nga tài trợ.
Bên cạnh đó, EU cũng đã áp dụng nhiều biện pháp như hạn chế về quan hệ kinh tế với bán đảo Crimea, thành phố Sevastopol..., đóng băng tài sản và hạn chế đi lại đối với nhiều cá nhân và tổ chức, cùng các biện pháp ngoại giao khác.
[Kinh tế Nga có khả năng chống chịu tốt hơn dự kiến trong năm 2022]
Trước đó, nhật báo New York Times (NYT) của Mỹ đăng tải bài viết đánh giá lĩnh vực ngoại thương của Nga phần lớn đã quay trở lại mức trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022 và nền kinh tế nước này nói chung đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn mong đợi của phương Tây.
Các nhà phân tích của NYT ước tính kim ngạch nhập khẩu của Nga có thể đã bằng hoặc gần tương đương mức trước xung đột.
Bài báo trích dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ nhận định nền kinh tế Nga đã chứng tỏ “sự kiên cường một cách đáng ngạc nhiên, qua đó đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây."
Bài báo cho biết các quốc gia gặp khó khăn trong nỗ lực từ bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng và các nguồn tài nguyên khác của Nga, và Ngân hàng Trung ương Nga đã nỗ lực giữ tỷ giá hối đoái với đồng ruble và đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết kinh tế nước này ước tính suy giảm 2,5% trong năm 2022, nhưng nền kinh tế vẫn đang hoạt động tốt hơn so với dự đoán của hầu hết các chuyên gia.
Theo Bộ Phát triển Kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong giai đoạn từ tháng 1-11/2022 đã giảm nhưng chỉ ở mức 2,1%. Một số chuyên gia trong nước dự đoán mức giảm có thể tới 10% và 15%, thậm chí 20%. Nhưng tính chung cả năm, ông Putin cho hay kinh tế Nga dự kiến sẽ chỉ giảm 2,5%.
Tổng thống Nga cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp - một trong những chỉ số kinh tế vĩ mô chính của nước này, đang ở mức thấp lịch sử. Tổng thống Putin cho biết lạm phát tại Nga thấp hơn dự báo, đặc biệt đang có xu hướng giảm. Do đó, ông cho rằng đến cuối quý 1/2023, lạm phát có thể giảm xuống gần 5% so với mức 11,9% hiện tại.
Tổng thống Nga khẳng định đây là một chỉ số rất quan trọng nhằm đảm bảo mức sống khá và mang lại thu nhập thực tế cho người dân. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng ở Nga cũng được cho là đang trên đà tăng.
New York Times trích dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga. Theo đó, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2023 sẽ là 0,3%, trong khi dự báo trước đó là suy giảm 2,3%./.