Điện Kremlin ngày 30/3 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp phía Mỹ Donald Trump cùng ngày đã có cuộc điện đàm nhằm trao đổi về thị trường dầu mỏ và sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức các cuộc tham vấn giữa các bộ trưởng năng lượng hai nước về thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Sự đồng thuận nói trên đánh dấu một bước ngoặt mới trong hoạt động đàm phán trên thị trường dầu toàn cầu kể từ khi sự đổ vỡ của thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga đã dẫn đến cuộc chiến về giá “vàng đen” giữa Nga và Saudi Arabia.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cũng ngày cũng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp phía Nga Vladimir Putin đã nhất trí về tầm quan trọng của sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Người phát ngôn của Bộ Năng lượng Mỹ Shaylyn Hynes cho biết Bộ trưởng Năng lượng của nước này là ông Dan Brouillette sẽ thảo luận với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak về những cách thức để các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới có thể giải quyết sự biến động trên thị trường dầu toàn cầu.
Điện Kremlin không cho biết chính xác các bộ trưởng sẽ thảo luận nội dung gì, nhưng trước đó Moskva đã phát đi tín hiệu sẽ có nhiều nước hơn tham gia vào các nỗ lực nhằm cân bằng thị trường dầu.
[Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft ngừng các hoạt động tại Venezuela]
Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News ngay trước cuộc điện đàm ngày 30/3 nói trên, Tổng thống Trump cũng nhắc tới cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga. Những năm trở lại đây, Mỹ đã phát triển thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, nhờ sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu đá phiến. Giá dầu đang ở dưới mức chi phí sản xuất của nhiều nhà sản xuất ở Mỹ và điều này đang đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất dầu đá phiến của nước này.
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang cố gắng thuyết phục Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu và sẽ sớm cử một phái đoàn đặc biệt đến nước này.
Bên cạnh vấn đề dầu mỏ, ông Deere cho biết hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí rằng họ sẽ hợp tác trong khuôn khổ Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm chống dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
Tác động từ dịch COVID-19 cũng góp phần khiến giá dầu rơi xuống các mức thấp lịch sử, đặt nhiều nhà sản xuất của Mỹ và trên toàn thế giới đứng trước nguy cơ phá sản.
Các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cho rằng nhu cầu dầu của người dân và các hãng hàng không, vốn chiếm khoảng 16 triệu thùng/ngày trong tổng lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu, có thể sẽ không thể quay trở lại các mức như trước đây./.