Tổng thống Nga Putin giao lưu trực tuyến kéo dài 4 giờ đồng hồ với người dân

Trong cuộc giao lưu kéo dài 4 giờ có nhan đề “Kết quả trong năm với Vladimir Putin,” Tổng thống Putin đã trả lời 78 câu hỏi, xoay quanh tình hình kinh tế Nga và các vấn đề quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo cuối năm ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo cuối năm ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có cuộc giao lực trực tuyến với người dân, trong đó tập trung về những vấn đề trong nước và quốc tế được dư luận quan tâm như sự phục hồi nền kinh tế đất nước, mối quan hệ quốc tế như với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Sự kiện giao lưu lần thứ 20 của nhà lãnh đạo Nga thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài nước, trong bối cảnh ông Putin vừa tuyên bố sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 3/2024.

Trong cuộc giao lưu kéo dài 4 giờ có nhan đề “Kết quả trong năm với Vladimir Putin,” Tổng thống Putin đã trả lời 78 câu hỏi, xoay quanh tình hình kinh tế Nga và các vấn đề quốc tế.

Chủ đề năm nay được nhiều phóng viên và người dân Nga quan tâm là việc đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây, chính sách đối ngoại, nhà ở và dịch vụ xã hội, giao thông, giá lương thực và các khoản trợ cấp cho những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Về tình hình kinh tế trong nước, Tổng thống Putin cho biết nền kinh tế đất nước đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022 và đang tiến về phía trước.

Ông Putin lưu ý rằng tăng trưởng GDP của Nga năm nay dự kiến sẽ là 3,5%, thu nhập thực tế của người dân tăng khoảng 5%.

Nợ công nước ngoài của Nga đã giảm từ 46 tỷ USD xuống còn 32 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Nga, lạm phát của nước này có thể ở mức 8% vào cuối năm nay.

Tổng thống Putin cho rằng thị trường tài chính trong nước hiện trong tình trạng ổn định.

Du lịch nội địa đang phát triển với tốc độ tốt, lưu lượng vận tải hàng không ở Nga đã tăng 16,4%.

Với tăng trưởng này, Nga có kế hoạch sản xuất hơn 1.000 máy bay chở khách cho đến năm 2030, mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc về phương Nam, để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Về quan hệ quốc tế, Tổng thống Nga bày tỏ mong muốn sẵn sàng khôi phục quan hệ với Mỹ.

Đối với EU, Tổng thống Putin nêu rõ nước này không hủy hoại quan hệ với EU, đồng thời cho rằng việc bình thường hóa quan hệ với EU không phụ thuộc vào Nga mà phụ thuộc vào chính liên minh này.

Đề cập đến quan hệ với Trung Quốc, ông Putin cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển ở mức chưa từng có, góp phần đảm bảo cho sự ổn định trên toàn cầu.

Nhà lãnh đạo này hy vọng kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng 30% lên mức trong khoảng từ 220-230 tỷ USD.

Liên quan đến cuộc xung đột đang leo thang ở Dải Gaza, lãnh đạo Nga nói rằng đây là thảm họa, đồng thời cho rằng các quyết định của Liên hợp quốc về giải quyết cuộc xung đột này cần có sự đồng thuận của các nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến quan hệ của Nga với các khối không gian hậu Xô Viết như Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổng thống Putin cho biết nước này đang xây dựng tất cả các hoạt động hội nhập trên cơ sở tự nguyện của tất cả các nước tham gia.

Kể từ năm 2001, Tổng thống Putin đã giao tiếp trực tuyến với người dân tổng cộng 15 lần trên cương vị tổng thống và 4 lần với tư cách người đứng đầu chính phủ.

Các sự kiện giao lưu này đều kéo dài nhiều giờ đồng hồ và không giới hạn trước thời gian.

Cuộc giao lưu trực tuyến năm 2013 lập kỷ lục khi kéo dài 4 giờ 47 phút với hơn 3 triệu câu hỏi gửi tới Tổng thống Putin.

Kỷ lục của họp báo lớn cuối năm là sự kiện năm 2008 kéo dài 4 giờ 40 phút, trong đó Tổng thống Putin trả lời hơn 100 câu hỏi của các nhà báo.

Sự kiện giao lưu năm 2020 kéo dài 4 giờ 29 phút. Trong thời gian này, ông Putin trả lời 68 câu hỏi của các nhà báo và người dân Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.