Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 29/1, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh rằng kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, còn được biết đến là "Thỏa thuận thế kỷ," phải bị ngăn chặn.
Hãng thông tấn chính thức của Palestine WAFA cho biết Tổng thống Abbas đưa ra phát biểu trên trong cuộc điện đàm với Tổng thống Liban Michel Aoun.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Abbas đã thông báo với người đồng cấp Aoun rằng ông bác bỏ kế hoạch của Mỹ và khẳng định tính hợp pháp quốc tế là cách duy nhất để giải quyết vấn đề Palestine.
[Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump lệch hướng?]
Về phần mình, Tổng thống Aoun nêu rõ Liban hoàn toàn ủng hộ các quyền hợp pháp của người dân Palestine, đồng thời bảy tỏ hy vọng tất cả các nước Arab sẽ có lập trường thống nhất và cương quyết ủng hộ các quyền hợp pháp của người Palestine.
Tối 28/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông dài 80 trang tại Nhà Trắng với sự có mặt của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Kế hoạch này đề xuất giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine, theo đó thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện đối với phía Palestine, đồng thời Jerusalem sẽ tiếp tục là "thủ đô không chia cắt" của Israel.
Kế hoạch trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza. Theo các nguồn tin y tế, đụng độ giữa những người biểu tình Palestine và binh lính Israel đã khiến ít nhất 40 người biểu tình bị thương tại Bờ Tây.
Lo ngại kế hoạch hòa bình của Mỹ sẽ châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, Israel đã triển khai thêm binh sỹ tại khu Bờ Tây cũng như Gaza.
Trước khi kế hoạch này được công bố, quân đội Israel cũng đã triển khai thêm các đơn vị bộ binh tại Thung lũng Jordan, khu vực mà Israel đang có ý định sáp nhập.
Phát biểu tại trụ sở của Liên hợp quốc tại New York, Mỹ, Quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cho rằng kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ nhằm hủy hoại quyền lợi dân tộc của người Palestine, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch này sẽ thất bại.
Algeria cũng bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài đối với sự nghiệp của Palestine cũng như quyền của người Palestine thiết lập một nhà nước độc lập và có chủ quyền với Đông Jerusalem là thủ đô.
Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố bất kỳ kế hoạch nào về vấn đề Palestine cần phải "chú ý các quan điểm và đề xuất của các bên liên quan, đặc biệt là phía Palestine."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc đang nghiên cứu kế hoạch trên của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc luôn tin tưởng các nghị quyết của Liên hợp quốc và những đồng thuận quốc tế như giải pháp hai nhà nước và nguyên tắc về vùng đất hòa bình, tạo cơ sở để giải quyết vấn đề Palestine.
Người phát ngôn này cũng kêu gọi đạt được các thỏa thuận thông qua đối thoại và đàm phán trên cơ sở công bằng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sớm giải quyết một cách toàn diện, đúng đắn và lâu dài vấn đề Palestine.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi về những diễn biến mới nhất liên quan vấn đề Palestine, xung đột Israel-Palestine và tiến trình hòa bình Trung Đông.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về tầm quan trọng của việc mở ra các kênh đối thoại nhằm nối lại đàm phán dưới sự bảo trợ của Mỹ và thể hiện tầm nhìn của Palestine và Israel.
Hai nhà lãnh đạo cũng hối thúc đưa ra một thỏa thuận có thể đạt được hòa bình toàn diện và đúng đắn theo đúng các quyết định hợp pháp quốc tế, trả lại cho người dân Palestine tất cả các quyền hợp pháp, cũng như ủng hộ sự ổn định, an ninh tại Trung Đông./.