Tổng thống Pháp kêu gọi "phục hưng" ngành công nghiệp hạt nhân

Bên cạnh việc kêu gọi các khoản đầu tư mới cho năng lượng Mặt Trời, gió và hydro, ông Macron đề xuất xây dựng thêm 6 lò phản ứng EPR2 thế hệ mới có công suất rất cao.
Tổng thống Pháp kêu gọi "phục hưng" ngành công nghiệp hạt nhân ảnh 1Các tháp làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Saint-Laurent-des-Eaux ở Saint-Laurent-Nouan, miền Trung Pháp. (Ảnh: BLOOMBERG/TTXVN)

Ngày 10/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi "phục hưng" ngành công nghiệp hạt nhân của nước này, cho biết ông muốn Pháp xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân mới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. 

Trong bài phát biểu tại một nhà máy ở miền Đông nước Pháp, ông Macron nêu rõ nước này đang tiến tới điện khí hóa tất cả các hoạt động, từ cách thức sản xuất cho tới cách thức đi lại. Theo đó, Pháp cần sản xuất thêm nhiều điện.

Bên cạnh việc kêu gọi các khoản đầu tư mới cho năng lượng Mặt Trời, gió và hydro, ông Macron đề xuất xây dựng thêm 6 lò phản ứng EPR2 thế hệ mới có công suất rất cao, đồng thời xúc tiến nghiên cứu xây thêm 8 lò phản ứng khác. 

Tổng thống Macron cho rằng các dự án này sẽ thúc đẩy "phục hưng" ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp, nhấn mạnh đây là một thời điểm thích hợp để thực hiện điều này đối với Pháp vì đã có đầy đủ các điều kiện phù hợp. 

[Đức phản đối việc châu Âu phân loại điện hạt nhân là năng lượng “xanh”]

Điện hạt nhân chi phí thấp đã trở thành trụ cột của nền kinh tế Pháp từ những năm 1970. Tuy nhiên, những nỗ lực gần đây nhằm xây dựng các lò phản ứng do Pháp thiết kế ở trong nước cũng như ở Anh và Phần Lan không như mong đợi, do vấp phải các vấn đề liên quan chi phí hoạt động quá mức và việc triển khai chậm trễ.

Tháng 10/2021, ông Macron đã thông báo kế hoạch đầu tư 8 tỷ euro cho quá trình khử CO2 và giảm phát thải khí nhà kính của nền kinh tế thông qua phát triển điện hạt nhân, hydro xanh, điện khí hóa trong công nghiệp vào năm 2030.

Theo cơ quan năng lượng quốc gia Pháp (EDF), nước này hiện có 56 nhà máy điện hạt nhân, cung cấp 70% sản lượng điện toàn quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.