Tổng thống Pháp tin tưởng Paris có thể giúp EU "thay đổi thế giới"

Theo Tổng thống Macron, Pháp có thể đóng vai trò động lực giúp EU thay đổi thế giới sau khi thực hiện các cải cách then chốt trong nước, đồng thời cam kết mang lại một làn gió mới cho EU sau Brexit.
Tổng thống Pháp tin tưởng Paris có thể giúp EU "thay đổi thế giới" ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một sự kiện ở thủ đô Paris ngày 20/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu trước khi lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 21/6 tái khẳng định Paris có thể đóng vai trò động lực giúp châu Âu thay đổi thế giới.

Trả lời phỏng vấn 8 tờ báo lớn của châu Âu, ông Macron nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu phải đối diện với các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan, vấn đề bất bình đẳng sâu sắc, chế độ độc tài cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, EU phải "giành thắng lợi trong cuộc chiến vì tự do, dân chủ," để có thể đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ khí hậu Trái Đất.

Theo ông, Pháp có thể đóng vai trò động lực trong cuộc chiến này sau khi đã thực hiện các cải cách then chốt trong nước. Ông cũng cam kết mang lại một làn gió mới cho EU sau khi Anh rời khỏi liên minh này, còn gọi là Brexit.

[Tổng thống Emmanuel Macron vẽ lại bản đồ chính trị của nước Pháp]

Tổng thống Pháp cũng lên tiếng chỉ trích một số nhà lãnh đạo châu Âu "quay lưng" với EU, khẳng định châu Âu không phải là một "siêu thị" mà là một "định mệnh" mà các quốc gia cùng có trách nhiệm chung.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng cảnh báo hậu quả với các quốc gia châu Âu không tôn trọng những nguyên tắc chung của khối, khẳng định sẽ không thỏa hiệp với các giá trị đoàn kết và dân chủ của châu lục.

Ông cũng kỳ vọng châu Âu có thể đạt được một chính sách thực sự về an ninh và phòng vệ tập thể, cải cách các quy định về bảo vệ biên giới, vấn đề nhập cư và tị nạn, cũng như đẩy mạnh hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố.

Cùng chung quan điểm về vấn đề di cư, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni khẳng định châu Âu cần có một chính sách chung về vấn đề di cư, trước mắt là hỗ trợ Italy đối phó với làn sóng người di cư hiện nay.

Đề cập tới cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, Thủ tướng Gentiloni cũng cho rằng cần phải đấu tranh trên 2 cấp độ, thứ nhất là tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước thành viên EU về việc xuất nhập cảnh của du khách và thứ hai là ngăn chặn các hoạt động truyền bá tư tưởng cực đoan trên Internet.

Liên quan vấn đề Brexit, phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định sẽ nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo EU rằng bà vẫn có thể thúc đẩy thực thi thỏa thuận Brexit bất chấp những bất lợi sau cuộc bầu cử trước thời hạn hôm 8/6 vừa qua, trong đó, đảng Bảo thủ của nhà lãnh đạo này không giành được đa số quá bán 326/650 ghế cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ, giúp thực thi các cải cách của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.