Tổng thống Putin khẳng định sức mạnh của nền kinh tế Liên bang Nga

Tổng thống Putin nói: “Xét về quy mô của toàn bộ nền kinh tế, chúng ta là nước đứng đầu ở châu Âu. Chúng ta đã vượt qua Đức và chiếm vị trí thứ năm trên thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản.”

Quang cảnh cảng Vladivostok (Nga), ngày 13/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quang cảnh cảng Vladivostok (Nga), ngày 13/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc gặp với các doanh nhân Viễn Đông ngày 11/1, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cho biết theo sức mua tương đương, Nga đã trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ năm trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu xét theo chỉ số bình quân đầu người, Liên bang Nga vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tổng thống Putin nói: “Xét về quy mô của toàn bộ nền kinh tế, chúng ta là nước đứng đầu ở châu Âu. Chúng ta đã vượt qua Đức và chiếm vị trí thứ năm trên thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.”

Tổng thống Putin cho rằng lãi suất chủ chốt ở mức cao của Ngân hàng Trung ương Nga chỉ là hiện tượng tạm thời.

Theo ông Putin, vấn đề này đang được thảo luận cả trong chính cơ quan quản lý và cộng đồng chuyên gia và lãi suất sẽ được điều chỉnh khi lạm phát được kiềm chế.

Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương Nga tháng 12/2023 đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 1%, lên 16% mỗi năm. Ngân hàng Trung ương Nga lưu ý rằng áp lực lạm phát hiện vẫn ở mức cao.

Ngân hàng Trung ương nhấn mạnh rằng đến cuối năm 2023, lạm phát hàng năm dự kiến sẽ ở gần mức giới hạn trên của phạm vi dự báo là 7-7,5%, đồng thời tăng trưởng GDP năm 2023 có thể vượt mức 3%.

Hôm 14/12 vừa qua, mở đầu sự kiện giao lưu với người dân và các phóng viên, Tổng thống Putin cho biết nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022 và đang tiến về phía trước.

Ông Putin nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với nước Nga là củng cố chủ quyền, trong đó chủ quyền kinh tế và công nghệ là ưu tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.