Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển, Phần Lan thực hiện cam kết

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: "Chúng tôi đang theo dõi sát liệu Thụy Điển và Phần Lan có thực hiện các cam kết và tất nhiên, quyết định cuối cùng sẽ do quốc hội của chúng ta quyết định."
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển, Phần Lan thực hiện cam kết ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc họp báo ở Ankara. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo rằng Ankara sẽ không phê chuẩn hồ sơ của cả Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho đến khi hai nước Bắc Âu này "giữ cam kết."

Trong bài phát biểu trước Quốc hội ở Ankara, ông Erdogan nói: “Cho đến khi những cam kết đối với đất nước chúng ta được giữ, chúng ta sẽ duy trì lập trường có nguyên tắc của mình.”

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: "Chúng tôi đang theo dõi sát liệu Thụy Điển và Phần Lan có thực hiện các cam kết và tất nhiên, quyết định cuối cùng sẽ do quốc hội của chúng ta quyết định."

[Thổ Nhĩ Kỳ: Thụy Điển và Phần Lan cam kết hợp tác chống khủng bố]

Trước đó, Tổng thống Erdogan nhiều lần tuyên bố thỏa thuận mà nước này ký với Thụy Điển và Phần Lan nhằm rút lại quyết định phủ quyết của Ankara về việc kết nạp hai quốc gia Bắc Âu vào NATO không đồng nghĩa mọi chuyện đã xong, đồng thời yêu cầu hai quốc gia này thực hiện cam kết của mình.

Cuối tháng 6 năm nay, 3 nước đã ký một thỏa thuận, trong đó Ankara tuyên bố ủng hộ hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO, đổi lại, Helsinki và Stockholm cam kết sẽ không hỗ trợ đảng Công nhân người Kurd (PKK) và nhóm vũ trang Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG)- những tổ chức bị Ankara đặt ngoài vòng pháp luật.

Phần Lan và Thụy Điển cũng khẳng định sẽ không ủng hộ mạng lưới của Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.