Cuộc xung đột ở Ukraine là một trong những thách thức lớn nhất đối với trật tự quốc tế bởi "bản chất, cường độ và hậu quả của cuộc xung đột này."
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 5/4 đã đưa ra lời cảnh báo trên trong phát biểu khai mạc cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo ông Guterres, cuộc xung đột ở Ukraine thậm chí còn gây áp lực hơn cho các nước đang phát triển, với hơn 1,2 tỷ người đặc biệt bị tổn thương do giá lương thực, năng lượng và phân bón tăng cao.
Ông nói: "Chúng tôi đã chứng kiến một số nước chuyển từ mức độ dễ tổn thương sang khủng hoảng và những dấu hiệu về bất ổn xã hội nghiêm trọng."
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở Ukraine phải được chấm dứt và các bên cần tiến hành đàm phán nghiêm túc vì hòa bình và dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
[Liên hợp quốc: Hơn 7,1 triệu người phải sơ tán trong lãnh thổ Ukraine]
Trong khi đó, ngày 5/4, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cùng với các thành viên của nhóm liên lạc Liên đoàn Arab (AL) về khủng hoảng Ukraine đã tiến hành tham vấn với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại thủ đô Vácsava của Ba Lan, với mục tiêu đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong cuộc tham vấn, nhóm liên lạc AL đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và chấm dứt khủng hoảng trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Phái đoàn Arab cũng thảo luận với Ngoại trưởng Ukraine về những nỗ lực nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn cũng như một thỏa thuận để giải quyết khủng hoảng và khôi phục hòa bình và an ninh.
Bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng kéo dài cũng như những hậu quả về nhân đạo, chính trị, an ninh và kinh tế, nhóm liên lạc AL khẳng định sự ủng hộ của các nước Arab đối với các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine và việc chấm dứt các hoạt động quân sự.
Các ngoại trưởng Arab cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục phối hợp để đảm bảo an toàn cho các cộng đồng Arab ở Ukraine và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Arab muốn sơ tán sang các nước láng giềng.
Trước khi đến Warsaw, Ngoại trưởng Ai Cập cũng đã tới Moskva hôm 4/4 để thảo luận với Ngoại trưởng nước chủ nhà Sergei Lavrov nhằm thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 4/4, Ngoại trưởng Shoukry khẳng định các quốc gia Arab sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục phối hợp để duy trì an ninh và an toàn của khu vực.
Nhóm liên lạc AL, được thành lập trong phiên họp thứ 157 của Hội đồng AL vào tháng 3/2022, nhằm giải quyết các tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với khu vực Arab.
Nhóm bao gồm các đại diện của Ai Cập, Jordan, Algeria, Iraq, Sudan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)./.