Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 5/4 dẫn các phân tích cho rằng hoạt động buôn bán ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột tại Ukraine.
Báo cáo của Bloomber tham khảo đánh giá từ đại diện các tổ chức và chuyên gia phân tích, trong đó nêu rõ khoảng một nửa số ngô mà Ukraine dự kiến xuất khẩu trong mùa vụ này theo kế hoạch đã ngày càng trở nên khó giao hàng cho người mua, động thái cho thấy sự bất ổn mà tình hình địa chính trị đã gây ra cho thương mại ngũ cốc toàn cầu.
Các chuyến giao hàng từ Ukraine và Nga, vốn chiếm khoảng 1/4 kim ngạch thương mại ngũ cốc toàn cầu (khoảng 120 tỷ USD) đang trở nên khó khăn hơn, làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực.
Trước đó, người đứng đầu Liên minh Nông dân Đức, ông Joachim Rukvid cho biết giá lúa mì tại nước này đã tăng đáng kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine và mức giá cao sẽ được duy trì.
[Khủng hoảng Ukraine đang định hình lại thị trường năng lượng châu Âu]
Còn theo ông Artyom Deev, trưởng bộ phận phân tích của AMarkets, cho rằng nguồn cung ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác từ Nga và Ukraine giảm sẽ khiến giá lúa mì, dầu hướng dương, đường và các hàng hóa khác tăng lên.
Trong khi đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 5/4 khẳng định cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Mỹ Latinh, mặc dù trên thực tế những tác động trực tiếp của cuộc xung đột này đối với Mỹ Latinh sẽ ít hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Trong một báo cáo mới nhất, Moody's nhấn mạnh tới mối quan hệ kinh tế và tài chính khiêm tốn của Mỹ Latinh với Nga và Ukraine, nhưng cảnh báo rằng động lực lạm phát xuất phát từ xung đột quân sự sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Ông Gersan Zurita, Phó Chủ tịch Moody's, khẳng định rằng cả việc tăng giá năng lượng và làn sóng cú sốc nguồn cung mới đều hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn nguyên liệu nông nghiệp và công nghiệp, làm tăng lạm phát và khả năng kéo dài thời gian thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, ông Zurita cũng kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 cho dù sẽ vẫn cao hơn mục tiêu của các ngân hàng trung ương.
Theo đánh giá của Moody's, việc tăng giá nguyên liệu thô sẽ có lợi cho các nhà sản xuất năng lượng ở những nước có giá cả vẫn ngang bằng quốc tế như Brazil, Chile, Colombia và Peru, nhưng sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho ngành vận tải.
Ngoài ra, việc này cũng khiến chi phí nông nghiệp gia tăng, chủ yếu do xuất khẩu phân bón của Nga rất quan trọng đối với Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil.
Mặt khác, Moody's chỉ ra rằng các tổ chức tài chính ở Mỹ Latinh tương đối biệt lập với các lệnh trừng phạt tài chính ảnh hưởng đến Nga do họ có mối quan hệ thương mại hạn chế với các nước liên quan trong cuộc xung đột và hầu hết các tác động sẽ là gián tiếp và sẽ trở thành những rủi ro kinh tế vĩ mô./.