Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng gần 2,5 lần

Việt Nam có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 144 triệu USD, bằng gần 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng gần 2,5 lần ảnh 1Một góc nhà máy sản xuất vonfram của Masan. (Ảnh: tuoitre)

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp trên thế giới, trong sáu tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt gần 547 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 144 triệu USD, bằng gần 78% so với cùng kỳ và chín lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là trên 403 triệu USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài vẫn tăng dù dịch COVID-19 là nhờ sự cởi mở của môi trường pháp lý đầu tư, hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài ngày càng hoàn thiện. Qua đó, mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong nước. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng thể hiện rõ nét qua thị trường, lĩnh vực và quy mô đầu tư.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư ra nước ngoài mới giảm so với cùng kỳ sau khi tăng mạnh ở các tháng trước do trong tháng 6/2020 có dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vonfram Masan (Đức) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn 91,5 triệu USD.

Vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh do có dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và một dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.

[Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong sáu tháng đạt trên 15 tỷ USD]

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 lĩnh vực; trong đó lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với ba lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm gần 271 triệu USD, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 148,6 triệu USD, chiếm hơn 27%. Tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ,...

Hiện có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, với ba dự án đầu tư mới và hai dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 303 triệu USD, chiếm trên 55% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư hơn 89 triệu USD, chiếm trên 16% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Canada, Pháp,… với vốn đầu tư đạt hơn 32 triệu USD và trên 32 triệu USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/6/2021, Việt Nam đã có 1.420 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 21,8 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng 36,4%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 15,3%. Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào 23,7%; Campuchia 13,1%; Nga 12,9%…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.