Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa vinh danh 10 doanh nghiệp đứng đầu Bảng xếp hạng PROFIT500-Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.
Theo Bảng xếp hạng có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Thái Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Vingroup Công ty Cổ phần, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam.
Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report, việc công bố Bảng xếp hạng PROFIT500-Top500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021 tiếp tục ghi nhận những đại diện doanh nghiệp không chỉ thể hiện sự vượt trội về sức mạnh tài chính và truyền thông, mà còn thể hiện tiềm năng tăng trưởng, mức độ phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trên thị trường.
Đồng thời, tạo thêm động lực giúp các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh và hình ảnh doanh nghiệp trước các đối tác, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê của Vietnam Report, trong 339 doanh nghiệp niêm yết thuộc Bảng xếp hạng PROFIT500 (Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam) năm 2021, có 53,1% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2019-2020 và 6 tháng đầu năm 2021.
[Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2021]
Trong 6 tháng đầu năm nay, có 24,4% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng lợi nhuận. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp niêm yết trong PROFIT500 đang dần thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện kinh doanh sau khi đại dịch xuất hiện.
Sự bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 theo chiều hướng phức tạp đã làm thay đổi mọi dự báo, là “phép thử” khó khăn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh mới, đối với các doanh nghiệp, lợi nhuận không là chưa đủ, mà đó phải là lợi nhuận bền vững dựa trên năng lực nội tại vững mạnh, sự linh hoạt thích ứng với thị trường, áp dụng công nghệ nhanh nhạy, tăng cường hoạt động thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và khả năng làm việc từ xa; sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn diện và hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước.
Cùng với đó, việc xây dựng uy tín thương hiệu-thứ “tài sản vô hình” gắn kết với sức mạnh nội tại sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từng bước vượt qua đại dịch và khôi phục vững chắc hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Vinh nhấn mạnh.
Vietnam Report giới thiệu Báo cáo song ngữ Vietnam Earnings Insight 2021 với chủ đề “Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế 2021-2022.”
Nội dung báo cáo đề cập một số nhận định về tình hình và chất lượng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp dưới tác động từ đại dịch, Báo cáo còn phân tích về xu hướng và triển vọng của các ngành có khả năng bứt tốc trong giai đoạn bình thường mới tiếp theo.
Ngoài ra, Báo cáo còn phân tích những rủi ro và giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp hình dung rõ hơn về kế hoạch phục hồi chuỗi giá trị, xây dựng hình ảnh, củng cố chỗ đứng trên thị trường, từ đó đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận mà tổ chức đã đề ra./.