Tour giá rẻ, 0 đồng: Bản chất là sự cạnh tranh khốc liệt về giá

Năm 2016, khách Trung Quốc ồ ạt đến Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc; đầu năm 2017, khách Trung Quốc lại tiếp tục ngập tràn ở Quảng Ninh khiến các địa phương này “đau đầu” tìm cách giải quyết thỏa đáng.
Tour giá rẻ, 0 đồng: Bản chất là sự cạnh tranh khốc liệt về giá ảnh 1Bộ đội Biên phòng làm thủ tục nhập cảnh cho du khách Trung Quốc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Năm 2016, khách Trung Quốc ồ ạt đến Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc; đầu năm 2017, khách Trung Quốc lại tiếp tục ngập tràn ở Quảng Ninh khiến các địa phương này “đau đầu” tìm cách giải quyết thỏa đáng. Bởi lẽ, trong số đó có rất nhiều khách đến Việt Nam theo tour giá rẻ, thậm chí là tour 0 đồng. Điều này khiến chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp quan ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và thất thu nguồn thuế. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết, trong đó đi sâu phân tích rõ thực chất các tour giá rẻ, tour 0 đồng và hướng giải quyết vấn đề này.

Bài 1: Bản chất là sự cạnh tranh khốc liệt về giá

Đến hết quý I/2017, lượng khách quốc tế đến nước ta đã đạt hơn 3,2 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó chủ yếu là khách châu Á, khách Trung Quốc chiếm phần đông. Đi cùng sự bùng nổ về lượng khách Trung Quốc có sự xuất hiện của khá nhiều khách đi theo tour giá rẻ, tour 0 đồng giống như hiện tượng năm 2016 với Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Nếu như năm 2016, khách chủ yếu đến từ đường hàng không trên các chuyến bay thuê bao chuyến (Charter Flight), năm nay khách Trung Quốc đổ bộ qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt. Vậy đâu là bản chất của tour giá rẻ, tour 0 đồng mà khách Trung Quốc đang sử dụng để đi du lịch nước ngoài?

Thực chất của tour giá rẻ, 0 đồng

Theo phân tích của Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch): Với khách du lịch, tour giá rẻ được hiểu là khách mua sản phẩm du lịch gồm chi phí vé máy bay (tàu, thuyền, ô tô), phí visa, dịch vụ khách sạn và chương trình du lịch với mức giá thấp hơn nhiều mức chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả. Còn với doanh nghiệp du lịch, tour giá rẻ là tour ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành “tour 0 đồng” hay “tour không có lãi”, thậm chí là “tour âm đồng’ hay “tour lãi âm”.

[Hệ lụy từ Tour 0 đồng kéo du khách Trung Quốc vào Việt Nam]

Với tour này, công ty đón khách không thu bất kỳ một chi phí nào, thậm chí phải trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách, hiện tượng này còn được gọi là “mua đoàn”. Thông qua các hình thức như "chăn dắt" khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa… Thực tế tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc năm 2016 và tại Quảng Ninh đầu năm 2017, khách Trung Quốc vào nước ta rất ít được đi tham quan thực sự, thay vào đó họ bị “lùa” tới các trung tâm mua sắm, hàng lưu niệm, dịch vụ spa… mua các sản phẩm với giá “trên trời” để bù vào chi phí. Điều đáng nói là những điểm này đều do người Trung Quốc kiểm soát, giao dịch khép kín bằng tiền mặt, không hóa đơn chứng từ nên địa phương không thu được thuế…

Đối với các điểm đến, nhìn nhận một cách khách quan, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng vẫn tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu, nhất là với Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển du lịch đại chúng. Vì khi đặt chân đến Việt Nam, khách vẫn phải ở khách sạn, ăn uống tại nhà hàng, đi xe, tàu, máy bay, mua vé tham quan và chi trả phí visa (với những thị trường chưa miễn visa). Tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng cũng không nằm ngoài quy luật này.

Đặc biệt, vào mùa thấp điểm, khách đến trên các chuyến bay thuê bao cũng góp phần duy trì ổn định các đường bay, duy trì hiệu suất khai thác của chuỗi dịch vụ tại điểm đến. Có đường bay ổn định mới có khách du lịch, có khách du lịch mới có nguồn thu. Tổ chức Du lịch thế giới và các quốc gia luôn lấy lượng khách là một tiêu chí quan trọng hàng đầu khi thống kê, đánh giá về mức độ phát triển của một quốc gia, điểm đến…

Cạnh tranh khốc liệt về giá

Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cũng khẳng định có sự xuất hiện của các tour giá rẻ, tour 0 đồng, âm đồng thực chất xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt về giá. Do có rất nhiều công ty của Trung Quốc cùng bán một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm khác nhau tới các điểm đến của Việt Nam, du khách có nhiều sự lựa chọn. Do đó, các công ty phải có chính sách đặc biệt về giá để thu hút khách. Chỉ tính riêng tại Hàng Châu (Trung Quốc) đã có hơn 100 công ty lữ hành bán sản phẩm du lịch Nha Trang và Đà Nẵng. Những đơn vị này thuê máy bay của Vietnam Airlines (VNA), Vietjet, Dragon Airlines. Khách Hàng Châu có rất nhiều lựa chọn đi du lịch đến Việt Nam và nhiều nơi khác với chi phí không hề đắt đỏ. Những công ty bán sản phẩm du lịch Đà Nẵng và Nha Trang không thể nằm ngoài vòng xoáy của cuộc chiến về giá với các điểm đến khác.

Giữa các hãng hàng không cũng có sự cạnh tranh khốc liệt không kém, khi ngày càng có nhiều đường bay mới được mở, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà còn với nhiều điểm đến khác. Theo thống kê, năm 2016, một tuần có 60 chuyến bay thuê bao từ 10 thành phố của Trung Quốc đến Nha Trang, tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các hãng hàng không của Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar) và các hãng của Trung Quốc như China Airlines, Chengdu Airlines, Hainan Airlines. Trong khi đó, mỗi tuần cũng có khoảng 50 chuyến bay thuê bao từ 10 thành phố của Trung Quốc đến Đà Nẵng. Ở đây tương tự cũng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của ba hãng hàng không Việt Nam kể trên và hàng không Phương Đông, Tứ Xuyên, Hải Nam của Trung Quốc.

Tiếp theo phải kể đến cuộc cạnh tranh về sản phẩm du lịch của các công ty gom khách. Nếu tất cả các công ty gom khách đều chào một sản phẩm du lịch đến Đà Nẵng hay Nha Trang chung chung thì khó có thể cạnh tranh, do đó mỗi công ty phải thiết kế các sản phẩm khác nhau, phục vụ từng dòng khách. Ví dụ như “sản phẩm tiết kiệm” dành cho nhóm khách trung bình sử dụng khách sạn 3 sao; “sản phẩm trung cấp” sử dụng khách sạn 4 sao và “sản phẩm cao cấp” sử dụng khách sạn 5 sao. Ngoài ra còn có sản phẩm đánh golf, MICE, nghỉ dưỡng đơn thuần, mua sắm hay du lịch cùng người thân, gia đình… Sản phẩm khác nhau sẽ thu hút khách ở độ tuổi, đẳng cấp khác nhau. Cho dù đa dạng như vậy, nhưng tất cả sẽ bị cuộc chiến về giá "càn quét." Hơn nữa, để lấp đầy một chuyến máy bay thuê bao thì không thể chỉ có khách cao cấp, hoặc cũng không thể chỉ toàn khách thấp cấp hay trung bình.

Đó là với các công ty gom khách, còn với các công ty đón khách tại điểm đến, họ cũng muốn giành giật khách nên xuất hiện tình trạng chào giá dịch vụ chênh lệnh nhau rất cao, gây nhiễu loạn thị trường. Trong dòng chảy của tour giá rẻ, tour 0 đồng, âm đồng cũng có sự tiếp tay của một số doanh nghiệp Việt Nam khiến chính quyền các địa phương phải vào cuộc, mạnh tay xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục