TP. HCM giới thiệu tiềm năng đầu tư, thu hút các doanh nghiệp Pháp

Các doanh nghiệp Pháp hiện đang rất mong chờ vào EVFTA, dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 6/2019, để có thể khai thác các cơ hội đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
TP. HCM giới thiệu tiềm năng đầu tư, thu hút các doanh nghiệp Pháp ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 8/10, tại thủ đô Paris, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm xúc Tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris Ile-de-France (CCIP IDF) của Pháp đã tổ chức Hội nghị xúc tiến Thương mại và Đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh.

Với chủ đề “Trao đổi thương mại và Triển vọng đầu tư,” Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của trên 60 doanh nghiệp của Pháp và nước ngoài.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn công tác của ITPC đã nêu bật những thế mạnh và tiềm năng của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Nằm trong khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới là ASEAN, Việt Nam nổi lên là điểm sáng trong khu vực với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,22% trong 5 năm qua.

Việt Nam có nhiều ưu điểm được bạn bè quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao với vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, dân số trẻ có trình độ, có khả năng ngoại ngữ cao, cần cù và cầu tiến...

Việt Nam cũng đã tham gia 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương lẫn đa phương và 6 FTA đang đàm phán, với hơn 100 quốc gia.

Những chính sách cởi mở mà Việt Nam đang thực hiện, đã tạo ra lực hút các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối giao thương của các nước trong khu vực.

[Phó Thủ tướng: Khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp Việt-Pháp]

Với diện tích 2.095km2, chiếm 0,63% diện tích cả nước và dân số hơn 10 triệu người, chiếm 10,68% dân số Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đóng góp 31% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/3 ngân sách quốc gia, 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, 1/2 lượng khách du lịch quốc tế và 30% tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam...

Năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt đặc biệt là địa phương đầu tiên được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt và ban hành cơ chế đặc thù, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chủ động giải quyết, điều hành kinh tế thành phố theo phương hướng nhanh, đơn giản và tạo môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng và phục vụ doanh nghiệp.

Về phía Pháp, phát biểu tại Hội nghị, ông Didier Kling, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris Ile-de-France nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp và không ngừng phát triển giữa Việt Nam và Pháp từ nhiều năm qua, đồng thời khẳng định CCIP IDF sẽ hợp tác chặt chẽ với ITPC để hỗ trợ cho doanh nghiệp Pháp đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Didier Kling, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thế mạnh để thu hút đầu tư, và trong tương lai sẽ trở thành một trung tâm kinh tế và thương mại quan trọng trong khu vực ASEAN.

Đến nay có trên 300 doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam, trong đó khoảng 70% đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp Pháp đang rất mong chờ vào Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 6/2019.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ITPC cũng đã giới thiệu với giới doanh nghiệp Pháp về Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, các Khu chế xuất và khu công nghiệp của thành phố; về Tập đoàn Takenaka của Nhật Bản và cơ hội tham gia các dự án của Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị cũng giải đáp cho đại diện các doanh nghiệp Pháp và nước ngoài về những quan tâm, vướng mắc cũng như cơ chế, chính sách của Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài đã, đang và sẽ đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.