TP HCM: Một số cây xăng thiếu hàng, tổng thể không cạn kiệt nguồn cung

Theo Cục Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh, mặc dù vẫn có tình trạng một số cây xăng thiếu nguồn hàng tuy nhiên không có tình trạng cạn kiệt nguồn cung gây ra xáo trộn lớn đối với thành phố.
TP HCM: Một số cây xăng thiếu hàng, tổng thể không cạn kiệt nguồn cung ảnh 1Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Saigon Petro trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết những ngày qua, tình hình kinh doanh xăng, dầu tại Thành phố Hồ Chí Minh tương đối ổn định. Tuy nhiên, tình trạng một số cây xăng thiếu nguồn hàng vẫn diễn ra.

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết như vậy tại buổi họp báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng cuối năm 2022 và công tác phòng, chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra ngày 3/11.

Cụ thể, trong hôm nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 65 cửa hàng không đủ xăng, dầu cung ứng cho người dân; trong đó có 2 cửa hàng thiếu cả xăng và dầu. Trong khi đó, hôm qua (2/11), thành phố có 87 cửa hàng thiếu xăng, ngày 1/11 có 111 cửa hàng thiếu xăng. Trong 2 ngày từ 2-3/11, có 24 cửa hàng trên địa bàn thành phố đã nhập được xăng.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, qua kiểm tra các cửa hàng thiếu xăng dầu, cơ quan chức năng xác định không có tình trạng găm hàng, các cửa hàng có đặt hàng và đang chờ xác nhận nguồn cung.

Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn cung diễn ra phổ biến, một số cửa hàng thiếu nợ nên đơn vị cung ứng không bán xăng nữa.

[Thành phố Hồ Chí Minh còn 108 cửa hàng xăng dầu thiếu nguồn cung]

Ông Nguyễn Tiến Đạt nhận định tình trạng thiếu nguồn hàng xăng, dầu xảy ra tại hầu hết quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các cửa hàng tại khu vực trung tâm ít xảy ra hiện tượng này hơn vùng ven.

“Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có cây xăng dừng hoạt động nhưng vẫn có cây xăng khác gần đó bán. Không có tình trạng cạn kiệt nguồn cung gây ra xáo trộn lớn đối với thành phố," ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.

Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố, Cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường việc giám sát, nếu phát hiện các dấu hiệu hành vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân, xử lý theo đúng quy định.

Ngoài ra, các Đội Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nắm tình hình cung ứng xăng dầu, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ trong năm 2022, Cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các đoàn kiểm tra 12 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và lấy 89 mẫu để giám định. Kết quả cho thấy 88 mẫu xăng, dầu đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ có 1 mẫu dầu D.O. chưa đạt.

Theo Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi tham khảo giới chuyên môn, mẫu không đạt này không có dấu hiệu bị pha trộn hay làm giả mà liên quan đến quá trình bảo quản, vận chuyển. Doanh nghiệp này đã bị phạt hơn 1 tỷ đồng.

Liên quan đến câu hỏi thị trường xăng, dầu của Thành phố Hồ Chí Minh có chịu tác động lớn bởi xăng, dầu lậu hay không, ông Nguyễn Tiến Đạt nhận định hiện tượng kinh doanh xăng, dầu lậu là có trong thực tế.

Tuy nhiên, để đánh giá những mặt hàng lậu này tác động thế nào tới thị trường thì cần nhiều thời gian để các cơ quan nghiên cứu, điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.